Mức 8,5-8,6%/năm từng là mức lãi suất huy động tiền gửi cao nhất trong hệ thống ngân hàng hồi đầu năm, khi đó chỉ có một vài ngân hàng niêm yết mức này.
Tuy nhiên đến nay, mức cao nhất đã lên tới 10,2%/năm, số ngân hàng đẩy lãi suất huy động lên trên 8,5%/năm đã nhiều hơn trước. Trong đó, tại nhiều ngân hàng, điều kiện để hưởng được mức lãi suất cao ngất ngưởng trên cũng hết sức đơn giản.
Ngân hàng Bản Việt (VietCapitalBank) vẫn đang có mức lãi suất huy động cao nhất trên thị trường.
Sản phẩm chứng chỉ tiền gửi mới phát hành của nhà băng này có lãi suất lên tới 10,2%/năm, áp dụng cho kỳ hạn 60 tháng. Chứng chỉ tiền gửi các kỳ hạn khác cũng có lãi suất rất cao: kỳ hạn 24 tháng có lãi suất 9,5%/năm, 36 tháng có lãi suất 9,8%/năm, 48 tháng có lãi suất 10%/năm.
Ngoài ra, ngân hàng Bản Việt cũng niêm yết lãi suất tiết kiệm tại quầy tới 8,6%/năm áp dụng cho kỳ hạn 24 tháng – 60 tháng. Ở kỳ hạn 18 tháng cũng có lãi suất lên tới 8,5%/năm.
VIB cũng đang phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất hấp dẫn, lên tới 9,1%/năm, kỳ hạn 61 tháng, trả lãi 12 tháng một lần; áp dụng cho số tiền gửi từ 10 triệu trở lên và là bội số của 1 triệu.
Theo biểu lãi suất áp dụng từ 20/8 của Eximbank, lãi suất cao nhất tại nhà băng này đã lên đến 8,5%/năm, áp dụng cho kỳ hạn 24 tháng, 36 tháng khi gửi online trên Internet Banking hoặc Mobile Banking.
Đối với hình thức gửi tiết kiệm tại quầy của nhà băng này, lãi suất cũng đã lên đến 8,4%/năm, kỳ hạn gửi 24 tháng, 36 tháng. Ngoài ra, ở kỳ hạn 13 tháng khi gửi tại quầy số tiền từ 100 tỷ đồng trở lên cũng có lãi suất 8,4%/năm.
Lãi suất cao nhất ở PVCombank là 8,5%/năm ở kỳ hạn 13 tháng, số tiền gửi mới tối thiểu 500 tỷ đồng. Tại ngân hàng này, nếu có ít tiền hơn chỉ khoảng từ 5 tỷ, người gửi tiền vẫn có thể được hưởng lãi suất 8%/năm nếu chọn hình thức tiết kiệm bậc thang, kỳ hạn 13 tháng, 15 tháng, 18 tháng, 24 tháng, 36 tháng.
Hay tại TPBank có lãi suất cao nhất là 8,6%/năm nhưng chỉ áp dụng cho khoản tiền gửi mới từ 500 tỷ trở lên. Tuy nhiên, với số tiền nhỏ và lựa chọn sản phẩm tiết kiệm phù hợp vẫn có thể có được lãi suất xấp xỉ 8,5%/năm.
Chẳng hạn, khi gửi tiết kiệm livebank kỳ hạn 12 tháng, trong 6 tháng đầu có lãi suất 7,05%/năm, 6 tháng sau có lãi suất 8,45%/năm. Nhiều kỳ hạn khác của ngân hàng này áp dụng cho hình thức gửi livebank cũng có lãi suất 8%/năm: 18 tháng, 24 tháng, 36 tháng.
Sản phẩm tiết kiệm Đắc Lộc Phát tại SCB có lãi suất cao nhất là 8,55%/năm, áp dụng cho kỳ hạn 13 tháng, 15 tháng, 18 tháng, 24 tháng, 36 tháng. Số dư tiền gửi tối thiểu cũng không quá cao, chỉ 50 triệu đồng gửi tại quầy.
Mặt bằng lãi suất huy động đã cao hơn nhiều so với hồi đầu năm. Quan sát cho thấy đã có hơn 15 ngân hàng (tức là gần một nửa số ngân hàng trong hệ thống) niêm yết lãi suất cao nhất từ 8%/năm.
Đáng chú ý, lãi suất vẫn có dấu hiệu tăng trong thời gian gần đây và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, nhất là khi ngân hàng vào mùa cung ứng vốn cuối năm cho nền kinh tế.
Trước "cuộc đua" lãi suất thời gian qua giữa các ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đã có công văn nhắc nhở các TCTD về vấn đề này.
Cơ quan quản lý cho rằng, động thái tăng lãi suất này làm tiềm ẩn nhiều rủi ro ảnh hưởng đến sự ổn định và phát triển lành mạnh của hệ thống ngân hàng, tạo ra diễn biến tâm lý tiêu cực trên thị trường, có nguy cơ dẫn đến cuộc đua về lãi suất huy động giữa các tổ chức tín dụng, gây bất ổn thị trường tiền tệ.
Theo Diệp Trần (Soha/Trí Thức Trẻ)