Sen nghìn cánh
Năm 2019, giới mê sen xôn xao khi mạng xã hội xuất hiện hình ảnh một loại sen được trồng trong chậu có bông khổng lồ. Không chỉ có vài cánh như sen truyền thống hay 100 cánh như sen Bách Diệp, bông sen này có tới 1.000 cánh.
Khi ấy, giống hoa sen 1.000 cánh gây sốt, được rất nhiều người tìm mua về trồng. Một củ giống sen siêu cánh có giá dao động từ 400.000-500.000 đồng, còn chậu sen loại này giá lên tới cả triệu đồng.
Sen 1.000 cánh sau đó được nhân giống trồng ở nhiều địa phương, bán với giá trên dưới 400.000 đồng/bó 10 bông, đắt gấp 7-10 lần so với sen thường.
Mùa sen năm ngoái, giá sen 1.000 cánh đã hạ nhiệt. Tuy nhiên, để thưởng thức được vẻ đẹp của loại sen này, chị em mê hoa vẫn phải chi ra từ 130.000-170.000 đồng/bó 10 bông (13.000-17.000 đồng/bông).
Năm nay, trên thị trường sen 1.000 cánh được rao bán khắp các chợ online lớn nhỏ với mức giá rẻ chưa từng có.
Trên một chợ online, loại sen siêu cánh này được rao bán phổ biến ở mức 30.0000-70.000 đồng/bó 10 bông (3.000-7.000 đồng/bông tuỳ size bông). Các đầu mối rao bán với số lượng khá lớn, không còn khan hiếm như những vụ sen trước đó.
Lan đột biến
Giữa năm 2018, giới chơi lan xôn xao trước thông tin một người ở Thừa Thiên - Huế bán giò lan đột biến cho khách hàng ở Hải Phòng, với giá 700 triệu đồng.
Sau đó, thông tin về các thương vụ mua bán, trao đổi, đấu giá lan đột biến với giá bạc tỷ liên tiếp xuất hiện, diễn ra ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Đơn cử, một cây lan phi điệp Bảo Duy có 5 cánh trắng được bán với giá 2,7 tỷ đồng; gốc lan Giã Hạc đột biến 5 cánh trắng được một đại gia ở Đà Nẵng mua với giá gần 7 tỷ đồng...
Chấn động nhất là thông tin về thương vụ chuyển nhượng lan đột biến tại Bình Phước vào ngày 10/6/2020. Theo đó, có người bán 3 chậu lan đột biến với giá gần 32 tỷ đồng (cây lan Bảo Duy 5 cánh trắng giá 12 tỷ đồng, một cây Bảo Duy 5 cánh trắng khác giá 9,9 tỷ đồng, một cây Da Vàng giá 10 tỷ đồng).
Cộng đồng chơi lan cũng rầm rộ chia sẻ hình ảnh chậu lan Juliet dài chừng 20-30cm, được giao dịch với giá 83 tỷ đồng. Thậm chí, có giao dịch lan đột biến được quảng cáo giá tới hàng trăm tỷ đồng.
Đến lúc này, nhiều người bắt đầu nghi ngờ về các thương vụ mua bán, đấu giá lan đột biến trước đây có thể là chiêu "thổi giá”, được dàn dựng công phu.
Cơ quan chức năng cũng vào cuộc, làm rõ việc nhiều đối tượng sử dụng chiêu trò "hô biến" cây lan thường thành lan đột biến, "thổi giá” lên tiền tỷ. Không ít người vì ham mê làm giàu nhanh chóng đã sập bẫy lừa.
Sau khi tạo ra trào lưu mua bán, nhân giống lan đột biến, từ giữa năm 2022 đến nay, nhiều cây lan từng được thông tin là có giá tiền tỷ hoặc trăm triệu đồng bỗng rớt giá thảm hại. Hàng loạt loại lan đột biến với tên mỹ miều như Hiển Oanh, Hồng Yên Thủy, Bạch Tuyết, Ngọc Sơn Cước... được rao bán ở các hội nhóm trên mạng xã hội với giá chỉ vài trăm, thậm chí vài chục nghìn đồng mỗi cây.
Ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) - chia sẻ trên báo Công an TP.HCM: Giá lan đột biến hiện đúng với giá trị thật. Giai đoạn trước đây, loại cây này đã bị các đối tượng "thổi giá”, vượt quá giá trị thực nhằm trục lợi, gây lũng loạn thị trường. Người kinh doanh, sản xuất và chơi hoa lan cần tỉnh táo trước những chiêu trò này, bởi lan đột biến chỉ là sản phẩm hàng hóa lưu thông bình thường, không có tính chất độc bản, lịch sử, sớm muộn cũng phải trở về đúng giá trị thực.
Bạch hải đường
Vào giữa tháng 3/2022, cây hải đường trắng (bạch hải đường) bỗng nổi như cồn thay thế lan đột biến trong giới cây cảnh. Xuất hiện thông tin cho thấy, nhiều người sẵn sàng bỏ ra vài trăm triệu đồng, thậm chí cả tỷ đồng, để được sở hữu một cây bạch hải đường như một thứ tài sản vô cùng quý giá.
Tuy nhiên, chỉ một tháng sau khi tạo cú sốc về giá, bạch hải đường đã rớt giá nặng. Trên các hội nhóm cây cảnh, những cây bạch hải đường từng được rao bán với giá từ 100 triệu đồng đến 3 tỷ đồng đồng loạt giảm giá. Thay vì 20 triệu đồng một cây giống, 300-500 triệu đồng một cây vòng có thân 8cm, 1-3 tỷ đồng một cây có vòng thân 20-40cm thì giá chỉ còn vài chục nghìn một cây giống đến vài triệu đồng một cây trưởng thành.
Hình ảnh giao dịch với những cọc tiền lớn cũng nhanh chóng được gỡ bỏ trong các hội nhóm bạch hải đường. Những người trót tin vào cơn sốt bạch hải đường vỡ mộng. Một số người xuống tiền ôm lô cây giống hoặc mua cây thành phẩm với mức giá cao, tưởng đón giá cao hơn sẽ bán đã "bắt phải dao rơi". Dù đăng bán với mức giá cực rẻ để cắt lỗ nhưng cũng chẳng ai mua.
Theo các chuyên gia, cơn sốt bạch hải đường vừa qua là chiêu trò thổi giá của các đối tượng lừa đảo. Họ lợi dụng sức lan tỏa của mạng xã hội và dàn dựng các cuộc thương lượng giá; đặt mua đặt bán. Bằng chứng là các tin rao đều không nêu giá trị sản phẩm bán ra mà chỉ trao đổi trực tiếp với người có nhu cầu. Các đối tượng hô hoán lên vài trăm triệu đồng hay vài tỷ đồng một cây, nhưng không có giao dịch nào thật cả.
Các chuyên gia y học cổ truyền cho hay, bạch hải đường không có nhiều giá trị dược liệu. Còn các chuyên gia lâm nghiệp, ngành trồng trọt và cây cảnh khẳng định, bạch hải đường là loại cây rất dễ trồng, chỉ cần giâm cành, không có gì đặc biệt.
Theo Hạnh Nguyên (VietNamNet)