CTCP Đầu tư Phát triển và Xây dựng Thành Đô - chủ đầu tư dự án Khu nghỉ dưỡng và nhà ở cao cấp The Empire (được biết đến với cái tên Cocobay) vừa công bố sẽ khởi động lại siêu dự án bất động sản nghỉ dưỡng nổi tiếng Cocobay Đà Nẵng vào quý II/2024, sau 5 năm đình trệ.
Tuy nhiên, việc chủ đầu tư thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng với các khách hàng cũ tại dự án này khiến nhiều người bất bình. Nhiều người mất niềm tin khi Thành Đô vỡ trận, không thể thực hiện chi trả lợi nhuận 12% như đã cam kết.
Ì ạch Công viên nước Hồ Tây
Từ những năm cuối thế kỷ trước, Thành Đô của ông Nguyễn Đức Thành đã nổi tiếng khi đầu tư xây công viên nước Hồ Tây, tuyến xe điện Hồ Tây, và sau này là Naman Retreat Đà Nẵng, Cocobay Đà Nẵng...
Ông Nguyễn Đức Thành cũng từng nổi danh với Nikko Việt Nam trong vai trò chủ tịch công ty này. Gần 20 năm về trước, đây từng là một doanh nghiệp điện tử lớn tại Việt Nam với sản phẩm điều hòa, từng lên kế hoạch IPO, nhưng sau đó bị giải thể. Công ty rơi vào vòng xoáy khủng hoảng và lặng lẽ biến mất trên thị trường do mất kiểm soát về chất lượng sản phẩm.
Ngoài ra, dự án Công viên nước Hồ Tây ban đầu cũng thu hút sự chú ý, nhưng sau đó, hoạt động kinh doanh của dự án dậm chân tại chỗ trong nhiều năm.
Đơn vị thực hiện việc xây dựng tổ hợp vui chơi giải trí Hồ Tây là CTCP Dịch vụ Giải trí Hà Nội Haseco, thành lập năm 1998. Dự án này bao gồm 3 hạng mục chính, gồm Công viên nước Hồ Tây, công viên Mặt Trời Mới và khu Trung tâm dịch vụ đa năng.
Nhiều năm qua, cơ cấu cổ đông của Haseco không có nhiều thay đổi. Trong đó, Tổng công ty Du lịch Hà Nội nắm gần 4,3 triệu cổ phần (tương đương 45,9% vốn), Tập đoàn Bảo Việt (19,37%), Công ty TNHH Trí Thành (5,65%), Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Sen (10,1%) và Công ty TNHH MTV Putaleng liên quan tới ông Nguyễn Đức Thành (5,06%).
Trước đó, không phải Putaleng mà là CTCP Đầu tư Phát triển và Xây dựng Thành Đô nắm giữ số cổ phần này.
Sở hữu công viên nước hàng đầu Hà Nội là Hồ Tây nhưng Haseco (HES) được đánh giá kém xa so với Công viên Đầm Sen (DSN) trong TP.HCM.
Năm 2023, Haseco ghi nhận lợi nhuận sau thuế hơn 13 tỷ đồng, giảm so với mức gần 18,6 tỷ đồng của năm 2022 và thấp hơn nhiều so với mức tương ứng 112,5 tỷ đồng và 107,7 tỷ đồng của Công viên Đầm Sen.
Mặc dù sở hữu vị trí rất đẹp và mặt bằng rộng lớn, nhưng Haseco hoạt động kém hiệu quả mà nguyên nhân được cho là do không không đầu tư, sáng tạo thêm nhiều trò chơi mới, thiết bị lại cũ,... khiến lượng khách sụt giảm.
Haseco hiện cho hệ thống nhà hàng thương hiệu Sen thuê một mặt bằng lớn để kinh doanh ẩm thực, vui chơi giải trí bao gồm: khu buffet 2.000 chỗ ngồi, khu hội thảo, hội nghị, liên hoan, tiệc chiêu đãi, dịch vụ đám cưới, khu vui chơi trẻ em. Sen Tây Hồ trả cho Haseco hơn 1,05 tỷ đồng mỗi tháng.
Hai năm chịu tác động của Covid là 2021-2022, Haseco vẫn có nguồn thu từ Sen Tây Hồ. Công ty Sen cũng là đối tác chiến lược và có hơn 10% cổ phần tại Haseco.
Dự án Cocobay bất động, DN dịch vụ du lịch nợ xấu, nợ thuế
Chủ đầu tư Cocobay Đà Nẵng chính là CTCP Đầu tư Phát triển và Xây dựng Thành Đô của doanh nhân Nguyễn Đức Thành, ra đời cách đây hơn 30 năm. Dù có trụ sở ở Hà Nội nhưng Công ty Thành Đô lại nổi tiếng tại thị trường Đà Nẵng trong giai đoạn 2017-2020.
Cocobay Đà Nẵng từng được quảng bá rầm rộ, gắn với tên tuổi siêu sao bóng đá thế giới Cristiano Ronaldo như một khách hàng danh dự.
Sau đó, Cocobay Đà Nẵng trở nên tai tiếng khi trở thành dự án codotel đầu tiên “vỡ trận”, không thể chi trả lợi nhuận như cam kết với lãi suất 12%/năm cho người mua.
Tới năm 2021, chia sẻ trên báo chí, ông Nguyễn Đức Thành cho hay Thành Đô đã giải quyết được quyền lợi của phần lớn khách hàng Cocobay Đà Nẵng với vốn tài trợ từ Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội (SHB).
Tuy nhiên, trên thực tế, khách hàng của Cocobay vừa qua đã nhận được thông báo thanh lý hợp đồng từ chủ đầu tư, yêu cầu chuyển đổi sang nhận hợp đồng chung cư hoặc nhận lại tiền.
Liên quan đến dự án này, đầu năm 2023, Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) của ông Lê Viết Hải tuyên bố đã thắng kiện Công ty Thành Đô và yêu cầu doanh nghiệp này bồi thường 368 tỷ đồng tiền nợ gốc, tiền lãi, phí luật sư và phí trọng tài liên quan đến hợp đồng thi công giai đoạn 2016-2018 tại Cocobay Đà Nẵng.
Một số doanh nghiệp con, doanh nghiệp liên quan tới Thành Đô cũng gặp khó trong nhiều năm qua.
Điển hình, cuối năm 2021, VietinBank Đà Nẵng thông báo bán khoản nợ xấu của Công ty TNHH CoCo City Tour - một công ty con của Tập đoàn Empire - chuyên cung cấp dịch vụ xe bus mui trần du lịch tại TP. Đà Nẵng. Tổng nợ gốc và lãi của CoCo City Tour tại VietinBank Đà Nẵng tính đến 23/11/2021 là hơn 50,3 tỷ đồng. Khoản nợ được đảm bảo bởi một khách sạn tại Tam Đảo và 16 chiếc xe bus mui trần.
Hồi tháng 3/2023, trong danh sách công khai các doanh nghiệp trên địa bàn TP còn nợ tiền BHXH, Bảo hiểm xã hội TP. Đà Nẵng nêu tên Công ty TNHH Emprie Hospitality - đơn vị vận hành một số khách sạn của dự án Cocobay.
Tình hình tài chính của Empire Hospitality cũng bết bát khi gánh khoản lỗ lũy kế 41 tỷ đồng, tính tới cuối năm 2022.
Theo Mạnh Hà (VietNamNet)