Theo ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN, trong tổng số 54 dự án BOT giao thông đang vận hành khai thác, Tổng cục đã tổ chức đàm phán với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án (DN) và địa phương về giảm giá vé đối với 39 dự án.
Đối với giảm giá chung vẫn phải đảm bảo nguyên tắc đảm bảo tính khả thi về phương án tài chính của dự án, giá phí trên cùng tuyến đường phải có mức tương đồng. Việc giảm giá cho các chủ phương tiện có hộ khẩu thường trú lân cận trạm thu giá vẫn theo nguyên tắc đảm bảo tính khả thi về phương án tài chính của dự án.
Lãnh đạo TCĐB cho hay, phương án giảm giá là xem xét, điều chỉnh giá dịch vụ sử dụng đường bộ đối với các dự án có thời gian thu còn lại theo hợp đồng dự án từ 3 năm trở lên. Phạm vi giảm giá đối với các phương tiện có bán kính 5 km xung quanh trạm. Các dự án có tính chất đặc biệt thì xem xét bán kính đến 10 km quanh trạm.
Các trạm có tính chất đặc thù như thu phí tuyến tránh, thu hỗ trợ các tuyến cao tốc, thu phí hoàn vốn cho cả quốc lộ và cao tốc song hành tùy theo điều kiện cụ thể của từng trạm, phạm vi giảm giá đối với các phương tiện có bán kính không quá 10km quanh trạm.
Đối với các trạm trong phạm vi dự án tỷ lệ giảm giá 100% các loại xe buýt, giảm 50% các loại phương tiện không sử dụng để kinh doanh, các loại phương tiện khác giảm từ 10-40%. Đối với các trạm có tính chất đặc thù, giảm 100% các loại xe buýt, các loại phương tiện không sử dụng để kinh doanh và giảm từ 20-60% các loại phương tiện khác.
Hiện có 38/39 dự án đã thống nhất giảm giá dịch vụ sử dụng đường bộ đối với các chủ phương tiện có hộ khẩu thường trú lân cận trạm thu giá, trong đó 11 dự án đã được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) chấp thuận giảm, 27 dự án đã thống nhất về nguyên tắc và báo cáo Bộ GTVT xem xét.
Có 13 dự án không tổ chức đàm phán là các dự án có phương án tài chính không khả thi, dự án có mức giá thấp, thời gian thu còn lại ngắn; 2 dự án đang sắp xếp lịch đàm phán. 22/54 dự án đã thống nhất giảm giá đối với tất cả các loại vé, trong đó 3 dự án đã được Bộ GTVT chấp thuận giảm, 19 dự án đã thống nhất về nguyên tắc và báo cáo Bộ GTVT xem xét.
Sau khi đạt được thỏa thuận với nhà đầu tư, TCĐB Việt Nam sẽ báo cáo Bộ GTVT xem xét chấp thuận để nhà đầu tư tiến hành giảm giá tại các trạm, đồng thời tiến hành ký phụ lục hợp đồng điều chỉnh.
TCĐB Việt Nam khẳng định, việc giảm giá chung và giảm giá cho các chủ phương tiện có hộ khẩu thường trú lân cận trạm thu giá là chủ trương của Chính phủ, Bộ GTVT để thực hiện giảm chi phí cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vận tải và xử lý các bất cập tại các trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ.
“Giảm giá phải dựa trên nguyên tắc đồng thuận giữa cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư trên cơ sở các điều khoản của hợp đồng BOT đã được ký kết. TCĐB sẽ tiếp tục phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố và các nhà đầu tư để đi đến thống nhất việc giảm giá tại các trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ” - ông Huyện nói.
Theo Châu Như Quỳnh (Dân Trí)