Theo thông tin từ Báo Lao Động, tại kết luận thanh tra số 1061 về việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về xăng dầu, Thanh tra Chính phủ phát hiện từ ngày 1/1/2017 đến 30/6/2022 có 8 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, trong đó có Công ty TNHH Hải Linh (trụ sở tại thành phố Việt Trì, Phú Thọ) chưa thực hiện đầy đủ việc đăng ký hệ thống phân phối xăng dầu định kỳ và khi có sự thay đổi với Bộ Công Thương theo quy định.
Công ty TNHH Hải Linh cũng nằm trong nhóm 7 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đã sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu sai mục đích bình ổn giá, không kết chuyển mà để lại tài khoản thanh toán của doanh nghiệp thường xuyên, trong nhiều kỳ trước khi hoàn trả lại Quỹ bình ổn giá xăng dầu với tổng số tiền trên 7.927 tỉ đồng.
Trong đó, Thanh tra Chính phủ nêu rõ, Công ty TNHH Hải Linh đã kết chuyển số tiền trích lập và chi sử dụng vào tài khoản Quỹ bình ổn giá, nhưng sau đó chuyển về tài khoản thanh toán của doanh nghiệp để sử dụng với tổng số tiền trên 2.551 tỉ đồng (số liệu cộng dồn của các kỳ).
Chính vì thế, cơ quan thanh tra đã kiến nghị thu hồi trên 2.551 tỉ đồng của Công ty TNHH Hải Linh sử dụng sai mục đích trên, đưa về Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Sau thông tin trên, ngày 15/1, ông Lê Văn Tám - Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hải Linh đã ký văn bản thông tin về nội dung này, cho biết, thời điểm tháng 9/2022, đoàn thanh tra làm việc tại doanh nghiệp, công ty đã hoàn thành toàn bộ nghĩa vụ theo đúng quy định và không còn nợ Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Công ty TNHH Hải Linh cho biết, số tiền 2.551 tỉ đồng Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã trích lập và được trích xả theo các kỳ điều hành giá của Bộ Công Thương.
Liên quan đến sự việc, ông Lê Văn Tám có văn bản báo cáo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) và Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) về tình hình thực hiện trích lập, chi sử dụng, lãi phát sinh và số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu tính đến tháng 12/2023. Theo đó, tại ngày 31/12/2023, ghi nhận số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu của Công ty TNHH Hải Linh (có xác nhận của ngân hàng) còn trên 46 tỷ đồng.
Theo giới thiệu trên VNR500, Công ty TNHH Hải Linh được thành lập vào năm 2002 và hiện được đánh giá là một trong những công ty có vai trò quan trọng trong việc ổn định thị trường xăng dầu tại các tỉnh phía Bắc, đặc biệt là trên địa bàn các tỉnh Phú Thọ, Lào Cai, Yên Bái, Hải Phòng ... Hiện tại công ty có khoảng hơn 200 đại lý trên địa bàn các tỉnh trên, thị phần xăng dầu của công ty chiếm 20-30% và thị phần gas chiếm trên 50% thị phần khu vực.
Theo Báo Phú Thọ, năm 2018, tổng doanh thu của Hải Linh đạt trên 17.500 tỷ đồng.
Hiện tại, Hải Linh có vốn điều lệ 1.350 tỷ đồng. Trong đó, ông Lê Văn Tám - Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc góp 1.159 tỷ, chiếm 86% và bà Nguyễn Thị Hải - cùng địa chỉ liên lạc với ông Lê Văn Tám - góp 191 tỷ, chiếm 14%.
Ông Lê Văn Tám là 1 doanh nhân nổi danh tại tỉnh Phú Thọ, ông là chủ sở hữu lâu đài Hải Linh tọa lạc tại mặt đường Nguyễn Tất Thành, sát Công viên Văn Lang thuộc khu Vòng 1 xã Trưng Vương, TP.Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.
Lâu đài này được khởi công từ năm 2019, tới năm 2023 đi vào hoàn thiện. Theo đơn vị thiết kế và thi công, lâu đài có diện tích sàn tầng 1: 2.100 m2; tầng 2: 1.768 m2; tầng 3: 1.980 m2; tầng 4: 1.500 m2; tầng 5: 1.500 m2; tầng 6: 1.350 m2 và 4 chóp nhỏ trên sàn tầng 6, mỗi chóp gần 500m2; mái phòng thờ: 174m2, các cung tròn lớn và mái lớn khoảng 1000m2.
Toà lâu đài này được xây dựng theo lối kiến trúc tân cổ điển với hàng loạt những chi tiết đường nét hoa văn uốn lượn, chi tiết mái vòm, cột tròn đối xứng, các đường chỉ phào, phù điêu, điêu khắc,...
Theo Báo Xây dựng, mức đầu tư của tòa lâu đài này lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Sau khi hoàn thiện, công trình này trở thành trụ sở làm việc của Công ty Hải Linh.
Cũng từng sở hữu những tòa lâu đài đồ sộ ở Thái Bình và Hải Phòng, ông Ngô Văn Phát, được biết đến như một đại gia xăng dầu nổi tiếng ở Hải Phòng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP TM Xăng Dầu Phát – Petraco.
Cụ thể, tại Hải Phòng, tòa lâu đài hoành tráng của ông Ngô Văn Phát nằm trên đường Lê Hồng Phong với diện tích hàng trăm m2, thuộc khu đất 2.300m2 với mặt tiền rất dài.
Nằm tại một trong những vị trí đất vàng thuộc "khu nhà giàu" tại Hải Phòng, tòa lâu đài cũng được thiết kế theo phong cách Châu Âu với hệ thống cổng, tường kiên cố, tòa lâu đài có hệ thống camera an ninh giám sát chặt chẽ.
Còn tại quê nhà ở huyện Tiền Hải (Thái Bình), toà lâu đài của ông Phát được xây dựng trên diện tích hàng nghìn m2, gồm 5 tầng nhà, xây dựng theo phong cách châu Âu, có thể đỗ trực thăng trên mái.
Để có đủ diện tích đất xây dựng, ông Phát đã phải mất nhiều công sức, tài chính thuyết phục các hộ dân xung quanh chuyển nhượng lại diện tích đất thuộc sở hữu của họ. Và phải mất độ khoảng gần chục năm kể từ khi động thổ khởi công thì công trình mới cơ bản hoàn thiện.
Nội thất bên trong tòa "lâu đài" chủ yếu là gỗ quý và đá nguyên khối được chuyển từ nhiều nơi trên cả nước về. Tòa lâu đài lắp đặt thang máy, hệ thống âm thanh, ánh sáng hiện đại không kém gì những trường quay của đài truyền hình.
Tuy nhiên, trong năm 2021, TAND TP Hải Phòng đã đưa ra xét xử vụ án “Mua bán trái phép hóa đơn” và tuyên phạt ông Ngô Văn Phát 24 tháng tù và kê biên tòa lâu đài tại số 9 đường Lê Hồng Phong, phường Đằng Hải, quận Hải An để đảm bảo khắc phục hậu quả gây ra.
Ông Ngô Văn Phát được xác định là người đứng ra thành lập 22 DN “ma” để bán hàng chục nghìn hóa đơn giá trị gia tăng, với tổng số tiền lên đến hơn 17 nghìn tỷ đồng, nhằm chiếm đoạt hơn 160 tỷ đồng của Nhà nước.
Theo thông tin trên Báo Công an nhân dân, sau hơn 1 năm chấp hành án phạt tù, đến tháng 4/2022, ông Ngô Văn Phát được tha tù trước thời hạn.
Ngày 15/11/2022, Cục Thi hành án dân sự TP. Hải Phòng cho biết Cục Thi hành án dân sự TP. Hải Phòng vẫn tiếp tục duy trì kê biên đối với tài sản là tòa lâu đài của gia đình ông Ngô Văn Phát tại số 9 Lê Hồng Phong do khoản tiền thu lợi bất chính mà ông Ngô Văn Phát còn phải thi hành là 72 tỷ đồng.
Theo Ngọc Điệp (An Ninh Tiền Tệ)