Ngày 12/11, một người nào đó đã đưa gần 25.000 Bitcoin - khoảng 159 triệu USD tại thời điểm đó - lên một sàn giao dịch trực tuyến. Tin tức này ngay lập tức lan truyền khắp các diễn đàn. Các trader (người mua bán trong thời gian ngắn) Bitcoin đều tranh luận xem liệu động thái này có nghĩa chủ nhân số Bitcoin muốn bán chỗ tiền ảo hay không.
Những người sở hữu lượng Bitcoin lớn được gọi bằng cái tên "Cá voi". Và họ đang ngày càng trở thành mối lo của các nhà đầu tư. Họ có thể khiến giá lao dốc dù chỉ bán một lượng nhỏ tài sản. Việc này hoàn toàn có thể xảy ra khi giá Bitcoin đã tăng gần 12 lần kể từ đầu năm, có lúc tiến sát 20.000 USD cách đây vài ngày.
Khoảng 40% Bitcoin hiện được nắm giữ bởi khoảng 1.000 người. Với giá hiện tại, mỗi người có thể sẽ muốn bán nửa tài sản, Aaron Brown - cựu giám đốc điều hành kiêm trưởng bộ phận các thị trường tài chính tại AQR Capital Management cho biết. Thêm nữa, các Cá voi có thể liên kết với nhau để cùng hành động. Rất nhiều người trong số họ đã quen biết nhau nhiều năm và gắn bó với Bitcoin từ những ngày đầu tiên.
"Tôi cho rằng có khoảng vài trăm người", Kyle Samani - giám đốc điều hành Multicoin Capital cho biết, "Tất cả họ đều có thể gọi cho nhau". Vì ít nhất thì một số dạng chia sẻ thông tin như vậy là hợp pháp, Gary Ross - một luật sư chứng khoán tại Ross & Shulga cho biết. Bitcoin là một dạng tiền ảo, không phải chứng khoán. Không có luật nào cấm loại giao dịch mà một nhóm người thỉa thuận với nhau cùng mua để đẩy giá lên, sau đó bán ra chỉ trong vài phút.
Giới chức đến nay vẫn khá chậm chạp trong việc bắt kịp giao dịch tiền ảo. Vì thế, rất nhiều quy định còn mập mờ. Nếu các trader không chỉ đẩy giá lên, mà còn lan truyền tin đồn, việc này có thể tính là lừa đảo. Bittrex - một sàn giao dịch tiền ảo gần đây đã cảnh báo người dùng, rằng tài khoản của họ có thể bị treo nếu họ kết hợp với nhau thao túng giá.
Dù vậy, với các loại tiền ảo khác, luật có thể khác. Tùy vào việc chúng được cấu trúc ra sao và nhà đầu tư kỳ vọng kiếm tiền từ chúng như thế nào, một số có thể được tính là tiền tệ, Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) cho biết.
Khi được hỏi về việc liệu các nhà đầu tư lớn có thể phối hợp hay không, Roger Ver - một nhà đầu tư Bitcoin đời đầu nổi tiếng cho biết: "Tôi ngờ rằng điều này rất có thể đấy. Mọi người có quyền làm bất kỳ điều gì họ muốn với tiền của mình. Cá nhân tôi thì chưa bao giờ có thời gian cho những thứ như thế".
"Cũng như bất kỳ loại tài sản nào khác, các nhà đầu tư cá nhân lớn và các tổ chức lớn có thể hợp tác thao túng giá", Ari Paul - đồng sáng lập BlockTower Capital nhận xét, "Trong lĩnh vực tiền ảo, những hoạt động như thế này sẽ có tác động cực lớn, do sự non trẻ của thị trường và bản chất đầu cơ của các loại tài sản".
Sức tăng giá gần đây của Bitcoin rất khó giải thích, do tiền ảo này không có giá trị nội tại. Nó được tạo ra năm 2009, là một dạng thanh toán kỹ thuật số, giám sát bởi một hệ thống máy tính độc lập trên Internet, sử dụng mật mã để xác minh giao dịch. Những người ủng hộ cho rằng Bitcoin có thể thay thế các ngân hàng, thậm chí là tiền truyền thống. Tuy nhiên, giá của nó được quyết định bởi người mua bán, khiến Bitcoin biến động mạnh mỗi lần tâm lý nhà đầu tư thay đổi.
Cũng như phần lớn các quỹ đầu tư mạo hiểm tập trung vào tiền ảo, Samani thường xuyên theo dõi hoạt động từ các địa chỉ được biết đến là thuộc về những nhà đầu tư lớn nhất. Dù các giao dịch Bitcoin được thiết kế để ẩn danh, mỗi cái lại được gắn với một địa chỉ đã mã hóa mà tất cả mọi người đều xem được. Khi nhìn thấy có hoạt động, Samani ngay lập tức gọi cho những người có khả năng đã bán và lấy thông tin về động cơ đằng sau cũng như kế hoạch giao dịch của họ.
Một số quỹ có thể mua trực tiếp tiền ảo từ người khác, mà không qua thị trường, để tránh ảnh hưởng đến giá cả. "Nhà đầu tư thường khá cởi mở với nhà đầu tư khác", Samani cho biết, "Chúng tôi đều biết ai là ai và đều giúp nhau chia sẻ thông tin. Mọi người đều chỉ muốn kiếm tiền thôi mà". Ross cũng cho biết việc thu thập thông tin như thế này là hợp pháp.
Dĩ nhiên, các nhà đầu tư bình thường không có khả năng tiếp cận với những triệu phú tiền ảo để trò chuyện. Dù có thể theo dõi các địa chỉ có tài sản lớn trên mạng, và lập các chủ đề thảo luận nóng về diễn biến thị trường, họ vẫn không thể biết được các kế hoạch của Cá voi.
"Thị trường này không minh bạch đâu", Martin Mushkin - luật sư chuyên nghiên cứu Bitcoin đánh giá, "Trong chứng khoán, mọi thứ cần phải được công khai. Nhưng ở đây, bạn rất khó biết được chuyện gì đang diễn ra".
Nhà đầu tư thông thường thậm chí có bất lợi lớn hơn với các loại tiền ảo và token nhỏ. Trong các loại tiền kỹ thuật số hiện tại, Bitcoin có lượng tập trung sở hữu thấp nhất, Spencer Bogart - Giám đốc nghiên cứu tại Blockchain Capital cho biết. Top 100 địa chỉ chỉ kiểm soát 17,3% số tiền ảo hiện có, Alex Sunnarborg - đồng sáng lập quỹ đầu tư mạo hiểm tiền ảo Tetras Capital cho biết.
Trong khi đó, với đối thủ của Bitcoin - Ether, top 100 địa chỉ nắm tới 40% nguồn cung. Với các loại tiền nhỏ hơn như Gnosis, Qtum và Storj, tỷ lệ này lên tới hơn 90%. Rất nhiều người sở hữu lớn là thuộc nhóm tạo ra loại tiền này.
Dù vậy, một số người cho rằng tình hình trên thị trường tiền ảo cũng chẳng khác mấy so với thị trường truyền thống. "Nhà sáng lập và một nhóm nhà đầu tư cũng nắm phần lớn cổ phiếu đấy thôi", Paul cho biết.
Số khác thì cho rằng các Cá voi sẽ không bán ra, vì họ là những người có niềm tin vào tiềm năng dài hạn của tiền ảo. "Tôi tin rằng những Cá voi này sở hữu lượng Bitcoin và Bitcoin Cash rất lớn. Họ sẽ không muốn hủy hoại chúng đâu", Sebastian Kinsman - một trader tại Prague cho biết.
Dù vậy, khi giá Bitcoin tiếp tục vượt trần, những suy đoán này rất có thể sẽ thay đổi.
Theo Hà Thu (VnExpress.net)