Những cổ phiếu có giá tới 3 con số
Tính đến hết phiên giao dịch ngày 19/2/2021 hiện toàn thị trường có 23 cổ phiếu có giá neo ở mức 3 con số - Thuộc hàng cổ phiếu đắt đỏ nhất thị trường. Trong đó có những cổ phiếu đã quen thuộc như CAB, MWG, HLB, VJC, SCS, TBD, VIC, VNM, FOC.
Đáng chú ý nhất là mức tăng giá kinh ngạc của GAB và THD trong đó GAB mở phiên giao dịch đầu năm 2020 với mức giá khiêm tốn 18.550 đồng thì chỉ sau 20 phiên tăng trần và nhiều phiên tăng điểm sau đó GAB hiện đang đứng ở mức giá 195.400 đ/CP – gấp hơn 10 lần thời điểm đầu năm 2020. GAB được các nhà đầu tư quan tâm khi liên quan đến tỷ phú Trịnh Văn Quyết và FLC Faros.
THD cũng trở thành hiện tượng khi gia nhập nhóm cổ phiếu đắt đỏ, tước đó vào tháng 6/2020 ThaiHoldings đóng cửa phiên giao dịch đầu tiên với mức giá 19.500 đ/Cp nhưng đã liên tiếp tăng trần 17 phiên liên tiếp sau đó, đóng cửa phiên giao dịch ngày 19/2/2021 ở mức 166.900 đồng/cổ phiếu.
ThaiHoldings được nhắc đến không chỉ do giá cổ phiếu biến động mạnh trong thời gian ngắn. Nhà đầu tư còn biết đến ThaiHoldings qua "ông chủ" nổi tiếng với cái tên quen thuộc: Bầu Thụy.
Ngoài ra các cổ phiếu RAL, SLS ghi nhận mức tăng giá trên 140%, các cổ phiếu SIP, WCS, NTC và DP3 cũng có mức tăng giá ấn tượng từ 46% - trên 50% trong đó nhờ mức tăng giá cao này giúp Nam Tân Uyên (NTC) soán ngôi của VCF trở thành cổ phiếu có thị giá cao nhất sàn niêm yết tại thời điểm này - Kể từ đầu năm 2020, cổ phiếu NTC giao dịch khởi sắc và liên tục tăng giá lên vùng giá cao nhất kể từ khi giao dịch trên thị trường UPCoM.
Nhóm ngân hàng duy nhất Vietcombank lọt vào danh sách này trong khi đó ngành dược có hai đại diện là DP3 và DHG.
Ngoài ra có 3 cổ phiếu đã tuột mốc giá 3 con số là HHC, VTP và SGC tuy nhiên vẫn đạt mốc giá trên 90.000 đ/CP và mức tăng giá tốt của MCH hiện đã đạt 95.000 đ/CP.
Cổ phiếu "đắt có xắt ra miếng"?
Nhóm cổ phiếu hàng hiệu này đa phần đều có kết quả kinh doanh tốt trong năm qua trong đó có 15 doanh nghiệp có mức doanh thu tăng trưởng dương trong đó mức tăng cao nhất thuộc về Thaiholdings (THD) của bầu Thụy khi ghi nhận doanh thu năm 2020 đạt 1.821 tỷ đồng tăng 140% so với năm 2019.
Ngoài ra có 14 doanh nghiệp đạt mức doanh thu nghìn tỷ trong đó mặc dù giảm 15% so với 2019 nhưng Vingroup vẫn dẫn đầu với 110.462 tỷ đồng doanh thu thuần.
Cùng với doanh thu tăng trưởng cũng có 15 doanh nghiệp có mức lợi nhuận tăng trưởng dương trong bối cảnh nhiều ngành kinh tế báo lãi sụt giảm hoặc thua lỗ trong đó mức lãi tăng cao nhất vẫn thuộc về Thaiholdings với 909 tỷ đồng LNST cao gấp hơn 19 lần năm 2019.
Ngoài ra VTV Cab cũng báo lãi sau thuế 62 tỷ đồng năm 2020, gấp gần 6 lần năm trước, CAB là cổ phiếu duy nhất trong nhóm không có biến động giá trong năm vừa qua do phần vốn nhà nước do VTV nắm giữ tại VTV Cab là 98,55%.
Vietjet (VJC) mặc dù có lợi nhuận giảm sâu tới 98% so với 2019 tuy nhiên đây lại là một con số lãi tích cực trong bối cảnh các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực hàng không trong nước và trên thế giới lao đao vì đại dịch Covid – 19.
Đáng bàn nhất là kết quả kinh doanh yếu kém của GAB, lũy kế cả năm 2020, GAB đem về doanh thu gần 352 tỷ đồng và chỉ lãi "còi" 1,4 tỷ đồng, lần lượt tăng 87% và giảm 91% so với 2019.
P/E nhiều cổ phiếu cao ngất ngưởng
Giá neo ở mức cao trong khi EPS ở mức thấp khiến cho nhiều cổ phiếu trong nhóm này có chỉ số P/E cao ngất ngưởng trong đó phải kể đến P/E của GAB lên tới 1.861; VJC là 983; CAB là 103,4. Tuy nhiên nhiều cổ phiếu có P/E dưới mức 10 đáng chú ý như VCF, RAL, SLS, DP3.
Có thể thấy đa phần các mã cổ phiếu có thị giá cao trên sàn chứng khoán đều là các doanh nghiệp tốt và có kết quả kinh doanh ổn định.
Việc thị trường chứng khoán xuất hiện những cổ phiếu có kết quả kinh doanh tốt, giá trị cao trong năm 2020 cho thấy những kỳ vọng của nhà đầu tư đối với doanh nghiệp đồng thời dù ít dù nhiều, các doanh nghiệp này cũng góp phần lớn làm cho vốn hóa thị trường chứng khoán tăng nhanh đáng kể.
Theo Trần Dũng (Trí Thức Trẻ)