Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Ảnh: Tass |
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ngày 3/9 thăm Việt Nam trước khi đến Trung Quốc tham dự Hội nghị thượng đỉnh nhóm 20 nền kinh tế lớn (G20). Chuyến thăm đánh dấu lần đầu tiên một thủ tướng Ấn Độ đến Việt Nam trong 15 năm.
Hợp tác quốc phòng
Việt Nam - hiện là điều phối viên quan hệ Ấn Độ - ASEAN - đã mở rộng quan hệ đối tác chiến lược với Ấn Độ trong nhiều mặt. Nhận xét về chương trình nghị sự trong chuyến thăm, Shaheli Das, nghiên cứu sinh tại Trung tâm Nghiên cứu Đông Á, Đại học Jawaharlal Nehru, cho rằng hai nước có thể nhân cơ hội này để tăng cường hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng. Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam cho biết hai nước có thể hoàn tất việc ký kết thoả thuận cung cấp 4 tàu tuần tra cho Việt Nam nhân chuyến thăm của ông Modi.
Theo Diplomat, New Delhi cũng được dự đoán sẽ xuất khẩu một loạt thiết bị quân sự cho Việt Nam, bao gồm cả ngư lôi chống ngầm Varunastra và tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos.
Ngoài việc bán vũ khí, Ấn Độ và Việt Nam sẽ sử dụng các kênh ngoại giao không chính thức, biện pháp xây dựng lòng tin, và các cuộc diễn tập quân sự chung nhằm thúc đẩy mối quan hệ sâu sắc hơn giữa hai quốc gia.
Theo chuyên gia Das, ông Modi cũng có thể thúc giục Việt Nam ủng hộ việc Ấn Độ trở thành thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương. Hơn nữa, với tư cách là thành viên Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á và Hợp tác Mekong - sông Hằng, cả Ấn Độ và Việt Nam có thể tìm cách sử dụng những nền tảng này để thúc đẩy tình đoàn kết giữa các nước Đông Nam Á và Ấn Độ, nhằm đối phó với sự gia tăng quân sự hóa của Trung Quốc trong khu vực.
Đẩy mạnh quan hệ thương mại cũng sẽ là một chủ đề quan trọng trong cuộc họp của các lãnh đạo Việt - Ấn. Kim ngạch thương mại song phương đã tăng mạnh từ 500 triệu USD năm 2008 lên 5,18 tỷ USD năm 2015. Với tư cách thành viên Cộng đồng Kinh tế ASEAN và là nước ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Việt Nam đã trở thành một điểm đến đầu tư hấp dẫn hơn với các công ty Ấn Độ. Nhiều khả năng ông Modi sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng của cơ hội đầu tư tại Việt Nam, vì Việt Nam có thể đóng vai trò như một cửa ngõ chính để tiếp cận các thị trường lớn như Mỹ, Liên minh châu Âu, và Nhật Bản.
Do đó, trong chuyến thăm này của ông Modi, lãnh đạo hai nước có thể xem xét mở rộng quan hệ thương mại song phương. Việt Nam có thể tăng xuất khẩu các mặt hàng như máy móc, điện thoại di động, thiết bị điện tử, hóa chất, cao su. Ấn Độ có thể tăng cường trao đổi thương mại trong sản phẩm thủy sản, thép, dược phẩm, máy móc, và bông.
Hai bên cũng nhiều khả năng thảo luận về khoa học và công nghệ. Việt Nam và Ấn Độ có thể ký kết các thỏa thuận củng cố nghiên cứu hải dương học, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin truyền thông và nghiên cứu y học. Ngoài ra, hai nước được dự đoán sẽ tăng cường hợp tác trong an ninh khu vực bằng cách chống lại các mối đe dọa phi nhà nước như buôn bán ma túy, khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia.
Vấn đề Biển Đông
Theo giới phân tích, Việt Nam và Ấn Độ đã xích lại gần nhau hơn trong thập kỷ qua, trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng gia tăng tham vọng ở Đông Nam Á và có những hành động quyết liệt ở Biển Đông. Ông Modi đã chọn đến thăm Việt Nam trước khi sang thăm Trung Quốc và sau đó là Lào để tham dự Hội nghị thượng đỉnh ASEAN và Hội nghị thượng đỉnh Đông Á.
Economic Times nhận xét động thái này có ý nghĩa biểu tượng, báo hiệu sự hiện diện chiến lược ngày càng gia tăng của Ấn Độ trong khu vực Đông Nam Á. The Hindu thì cho rằng chuyến thăm là một phần trong sự thay đổi rõ rệt trong chính sách của Ấn Độ đối với vấn đề Biển Đông. Ấn Độ đã gia tăng ám chỉ đến những động thái hung hăng của Trung Quốc trên biển, tiêu biểu là trong chuyến thăm của ông Modi tới Nhật Bản và cuộc gặp với Thủ tướng Việt Nam ở Delhi năm 2014, cũng như trong tuyên bố tầm nhìn chung Ấn - Mỹ về khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm ngoái.
Chuyên gia Das đánh giá chuyến thăm của ông Modi đặc biệt quan trọng vì nó diễn ra trong bối cảnh Tòa Trọng tài vừa bác bỏ yêu sách "đường lưỡi bò" Trung Quốc đơn phương vạch ra, bao trùm hầu hết diện tích Biển Đông.
Biển Đông là mối quan tâm lớn đối với Ấn Độ, bởi 50% hàng hóa thương mại của Ấn Độ đi qua con đường này. New Delhi cũng hợp tác với Hà Nội trong lĩnh vực khai thác dầu khí tại Biển Đông. Ông Das nhận xét Biển Đông là điểm giao thoa trong chính sách đối ngoại của hai quốc gia, mở ra những triển vọng hợp tác lớn.
Ấn Độ ủng hộ tự do hàng hải trong vùng biển quốc tế, khẳng định lập trường ủng hộ trật tự toàn cầu dựa trên nguyên tắc thượng tôn pháp luật, tôn trọng UNCLOS, và phản đối các hành động đơn phương sau khi Tòa Trọng tài ra phán quyết.
Quan hệ song phương Trung Quốc - Ấn Độ đã xấu đi đáng kể vì căng thẳng biên giới, lập trường không ủng hộ của Trung Quốc về việc Ấn Độ muốn gia nhập Nhóm Các nhà cung cấp Hạt nhân và hoạt động hợp tác quân sự ngày càng gia tăng của Bắc Kinh ở Nam Á - điều Ấn Độ luôn theo dõi với ánh mắt ngờ vực.
Ông Das cho rằng với việc là thành viên của nhiều diễn đàn đa phương quốc tế, Việt Nam và Ấn Độ có thể khởi xướng những cuộc thảo luận tại các diễn đàn này, tạo ra sự đồng thuận quốc tế phản đối những hành động đơn phương ngày càng quyết liệt của Trung Quốc trên Biển Đông.
"Hành động như vậy có thể làm nổi bật hành vi ngoan cố của Bắc Kinh, từ đó đặt ra câu hỏi liệu Trung Quốc đã hành xử như một bên có trách nhiệm trên trường quốc tế giống như họ tuyên bố hay chưa", ông Das viết.
Theo Phương Vũ (VnExpress.net)