Làm giả cả bằng khen của Thủ tướng
Để thu tiền bán hàng đa cấp, Công ty Liên kết Việt đã mời người dân đến văn phòng của công ty tại Hà Nội và chi nhánh ở các tỉnh, thành phố để nghe thuyết trình quảng cáo với nội dung công ty là doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng. Các sản phẩm công ty phân phối là do Bộ Quốc phòng sản xuất, nếu người dân ký hợp đồng thì vừa có thuốc tốt để dùng, vừa có lãi tiền gửi cao và được hưởng nhiều khoản tiền thưởng hoặc vật chất có giá trị nếu mời được thêm người tham gia.
Theo “chính sách” do công ty đưa ra, nếu một người tham gia một mã hàng trị giá 8,6 triệu đồng, sẽ được hưởng 449 triệu đồng trong thời gian 5 năm, nếu người này mua thêm một mã hàng trong thời gian từ 1 đến 5 tháng sẽ được hưởng 33,5 triệu đồng, nếu mời được một người khác tham gia sẽ được trả hoa hồng 8%, mời được càng nhiều thì hoa hồng càng cao. Tiền hoa hồng được trả vào các ngày 5 và 23 hằng tháng. Để người dân tin tưởng, lãnh đạo công ty khi giới thiệu đều mang cấp hàm trung tá, đại tá. Tại nhiều hội nghị khách hàng, các cán bộ của doanh nghiệp này còn mặc quân phục đủ cả sao vạch để thuyết phục người dân mua sản phẩm. Chưa hết, họ còn trưng ra nhiều bức ảnh chụp chung với lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước. Đáng chú ý, tại chi nhánh ở Hải Phòng còn tổ chức cả lễ đón bằng khen của Thủ tướng Chính phủ song song với hội nghị khách hàng trả hoa hồng.
Tuy nhiên, xác minh của cơ quan chức năng từ Ban Thi đua khen thưởng T.Ư cho thấy, Thủ tướng Chính phủ chưa từng tặng bằng khen nào cho cá nhân hay tập thể của Công ty Liên kết Việt. Lời khai của những người bị bắt, đặc biệt là Lê Xuân Giang, Chủ tịch HĐQT công ty, thì việc làm giả bằng khen của Thủ tướng nhằm mục đích tạo niềm tin, uy tín của doanh nghiệp với người dân để thuận lợi cho việc bán hàng.
|
Bằng khen giả mạo |
Lập lờ đánh lận con đen
Công ty Liên kết Việt được thành lập từ năm 2010, tiền thân là Công ty Hưng Việt do Lê Xuân Giang làm đại diện theo pháp luật. Đến cuối năm 2014, công ty này mới được Sở Công thương TP.Hà Nội và Bộ Công thương cấp giấy phép kinh doanh đa cấp. Tuy nhiên, chỉ trong vòng 1 năm, công ty đã phát triển một mạng lưới gồm 1 chi nhánh tại TP.HCM, 21 văn phòng đại diện tại 18 tỉnh, thành.
Sản phẩm do công ty phân phối là các loại thực phẩm chức năng, máy chăm sóc sức khỏe như: Dưỡng cốt vương, bổ não vương, đông trùng hạ thảo, một số loại máy khử độc Ozone, máy chăm sóc sức khỏe người già - được quảng cáo mua của Công ty cổ phần Tập đoàn thiết bị y tế BQP và Công ty cổ phần Biovaccine VN. Trong khi đó, Công ty cổ phần Tập đoàn thiết bị y tế BQP do chính Lê Xuân Giang lập ra. Việc gắn chữ BQP đã khiến nhiều người lầm tưởng là Bộ Quốc phòng nên tin theo. Ngoài ra, cơ quan công an làm rõ các sản phẩm do Công ty Liên kết Việt phân phối có gắn các tem nhãn và logo sản phẩm của Bệnh viện T.Ư quân đội 108, Công ty Thanh Hà - Bộ Quốc phòng. Các đơn vị này cho biết không có mối liên hệ hợp tác kinh doanh cũng như nghiên cứu khoa học nào với Công ty Liên kết Việt.
Cơ quan chức năng đã làm rõ, tổng giá trị các sản phẩm mua vào của Công ty Liên kết Việt chỉ khoảng 7 tỉ đồng và đã bán với doanh số thu được khoảng 9 tỉ đồng nhưng trên sổ sách chứng từ của công ty cho thấy đơn vị này đã thu về khoảng 1.900 tỉ đồng và được Lê Xuân Giang rút ra sử dụng vào mục đích cá nhân. Đến thời điểm cơ quan công an vào cuộc, số dư của công ty chỉ còn khoảng hơn 40 tỉ đồng.
Từ tháng 9.2015, nhiều người nộp tiền không được công ty trả hoa hồng đã đến các chi nhánh và trụ sở tại Hà Nội để đòi nhưng đơn vị không còn hoạt động.
Đến thời điểm này, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 7 người là lãnh đạo Công ty Liên kết Việt về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, gồm: Lê Xuân Giang (Lê Xuân Hà), Chủ tịch HĐQT; Nguyễn Thị Thủy, Lê Văn Tú (cùng là phó tổng giám đốc); Nguyễn Xuân Trường, Vũ Thị Hồng Dung, Lê Thanh Sơn (đều thuộc nhóm quảng bá, tuyên truyền, phát triển hệ thống đa cấp ở các tỉnh) và Trịnh Xuân Sáng (phụ trách công nghệ thông tin).
>> Đa cấp tinh vi: Gọi vốn đầu tư "máy đào vàng"
>> Sinh viên bị “tẩy não” khi tham gia bán hàng đa cấp
>> Sinh viên bán hàng đa cấp: Chỉ vì không thể quay đầu
>> "Chết" vì đa cấp kiểu mới: Mê trận đa cấp