Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Thông tư 17 và Thông tư 18/2024, trong đó quy định từ ngày 1/1/2025, chủ tài khoản ngân hàng bắt buộc phải xác thực sinh trắc học và cập nhật giấy tờ tùy thân hợp lệ để tiếp tục thực hiện các giao dịch trực tuyến.
Nếu không hoàn thành việc này, khách hàng sẽ bị hạn chế hoặc tạm dừng một số dịch vụ ngân hàng, bao gồm cả giao dịch trực tuyến và sử dụng ATM/CDM (nạp/rút tiền/chuyển khoản, thanh khoản...).
Gần đây, các ngân hàng như Vietcombank, Agribank, VPBank... đã đồng loạt gửi thông báo tới khách hàng, cho biết từ ngày 1/1/2025, tài khoản hoặc thẻ ngân hàng của khách hàng sẽ bị gián đoạn giao dịch.
Các trường hợp không thể chuyển tiền, thanh toán online, gián đoạn giao dịch từ 1/1/2025 bao gồm:
Nếu chưa cập nhật thông tin sinh trắc học, khách hàng sẽ bị TẠM DỪNG thực hiện các giao dịch trực tuyến (chuyển tiền online, thanh toán hóa đơn online…); giao dịch thanh toán thẻ trực tuyến; giao dịch rút tiền bằng mã QR tại máy ATM .
Nếu chưa cập nhật giấy tờ tùy thân mới thay thế cho giấy tờ tùy thân hết hiệu lực (CMND, CCCD, Hộ chiếu, thị thực), khách hàng sẽ bị TẠM DỪNG giao dịch tại tất cả các kênh (quầy, trực tuyến, ATM).
Như vậy những người chưa đổi thông tin sang CCCD bắt buộc phải làm thủ tục chuyển đổi và cập nhật thông tin này với ngân hàng.
Vậy những trường hợp nào có thể giao dịch nếu chưa cập nhật sinh trắc học:
Theo thông báo từ Vietcombank, khách hàng vẫn có thể sử dụng thẻ vật lý để rút tiền tại máy ATM và giao dịch tại máy POS .
Các giao dịch thẻ khác của khách hàng sẽ bị TẠM DỪNG bao gồm:
Giao dịch thanh toán trực tuyến bằng thẻ.
Giao dịch rút tiền bằng mã QR tại máy ATM.
Các giao dịch thẻ bằng phương thức điện tử khác.
Khách hàng cần làm gì để không bị gián đoạn giao dịch?
Nhằm đảo bảo giao dịch rút tiền, thanh toán trên tài khoản và thẻ ATM không bị gián đoạn, các khách hàng cần: Kiểm tra thời hạn hiệu lực của giấy tờ tùy thân và thực hiện bổ sung thông tin sinh trắc học trước 31/12.
Cụ thể, với khách hàng cá nhân : Khách hàng đang sở hữu Căn cước công dân gắn chip/Thẻ căn cước đang còn thời hạn cần thực hiện đối chiếu khớp đúng giấy tờ tùy thân và thông tin sinh trắc học trên ứng dụng mobile banking hoặc tại các quầy giao dịch của ngân hàng trên toàn quốc.
Trường hợp khách hàng có giấy tờ tùy thân sắp hết hạn, đã hết hạn hoặc CMND 9 số/CCCD không gắn chip cần chuyển đổi giấy tờ tùy thân sang Thẻ căn cước và tiến hành cập nhật, đối chiếu khớp đúng giấy tờ tùy thân và thông tin sinh trắc học tại các quầy giao dịch ngân hàng.
Bên cạnh đó, khách hàng quốc tịch nước ngoài/chưa xác định được quốc tịch cũng cần thực hiện đối chiếu khớp đúng giấy tờ tùy thân (hộ chiếu và thị thực nhập cảnh (visa)/ giấy tờ chứng minh miễn thị thực nhập cảnh còn hiệu lực/giấy tờ đi lại quốc tế còn thời hạn hiệu lực) và thông tin sinh trắc học tại các quầy giao dịch.
Đối với khách hàng tổ chức:
Cần cập nhật giấy tờ tùy thân còn hiệu lực của người đại diện theo pháp luật, kế toán trưởng, người được ủy quyền sử dụng tài khoản thanh toán tại phòng giao dịch của ngân hàng.
Để đảm bảo an toàn và bảo mật, các ngân hàng khuyến cáo khách hàng chỉ cập nhật dữ liệu sinh trắc học và giấy tờ tùy thân qua ứng dụng ngân hàng hoặc trực tiếp tại các chi nhánh/phòng giao dịch, không tự cập nhật qua bất kỳ trang web hay ứng dụng nào khác không rõ nguồn gốc.
Ngân hàng không yêu cầu Quý khách cung cấp OTP, mật khẩu, số thẻ, mã khóa bảo mật… qua điện thoại hoặc qua đường link lạ. Khách hàng cần cảnh giác tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản, mã OTP... cho người lạ để tránh trường hợp mạo danh, lừa đảo.
Trước đó, từ 1/7/2024, giao dịch chuyển tiền điện tử có giá trị trên 10 triệu đồng hoặc tổng giao dịch trong ngày trên 20 triệu đồng bắt buộc phải xác thực sinh trắc học. Sau hơn 3 tháng triển khai, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã có khoảng 38 triệu lượt khách hàng đăng ký thông tin sinh trắc học thành công và số lượng vụ lừa đảo đã giảm đến 50%, số lượng tài khoản nhận tiền lừa đảo cũng giảm trên 70% so với trung bình 7 tháng năm 2024. Đặc biệt, tại một số đơn vị đã không phát sinh vụ việc lừa đảo trong tháng 8 và tháng 9.
Theo H.Linh (Nhịp sống Thị trường)