Nhóm ngành nào của Việt Nam được hưởng lợi khi Trung Quốc mở cửa kinh tế?

10/12/2022 15:07:54

Việc Trung Quốc mở cửa trở lại có thể khiến cho tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu Việt Nam – Trung Quốc cải thiện hơn trong 2 tháng cuối năm 2022 và năm 2023.

Sau hơn 2 năm thực thi chính sách zero-covid, phong tỏa nhiều thành phố lớn để ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị ảnh hưởng, cuối cùng đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc đã cho thấy những động thái về khả năng tái mở cửa trở lại nền kinh tế khi chính quyền một số thành phố đang tiến hành những biện pháp để nới lỏng việc xét nghiệm cũng như chính sách cách ly.

Theo tờ Financial Times, các thành phố của Trung Quốc đã đẩy nhanh việc nới lỏng biện pháp hạn chế phòng dịch nghiêm ngặt trong cuối tuần qua. Thành phố Thẩm Quyến và Thượng Hải đã bỏ yêu cầu người đi làm phải xuất trình kết quả xét nghiệm PCR để di chuyển trên phương tiện giao thông công cộng. Trước đó, Thiên Tân, Thành Đô và Trùng Khánh cũng có động thái tương tự.

Ở Bắc Kinh, một số khu chung cư cho phép cư dân được cách ly tại nhà, thay vì ở cơ sở cách ly tập trung, nếu họ có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19. Điều này đánh dấu sự nới lỏng đáng kể biện pháp hạn chế tại các khu dân cư ở thủ đô Trung Quốc.

Nhóm ngành nào của Việt Nam được hưởng lợi khi Trung Quốc mở cửa kinh tế?
Trung Quốc thực hiện chính sách mở cửa kinh tế tác động đến Việt Nam ra sao?

Trung Quốc hiện đang là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Xét trong giai đoạn 2017-2021, Việt Nam duy trì mức nhập siêu lớn với giá trị ngày càng gia tăng. Tốc độ tăng trưởng nhập khẩu trung bình là 17,5% trong khi xuất khẩu chỉ tăng trưởng 12,3%. Nguyên nhân của hiện tượng này là do xu hướng chuyển dịch chuỗi sản xuất công nghiệp từ Trung Quốc sang Việt Nam.

9 tháng 2020 và 9 tháng 2022 là hai giai đoạn chứng kiến tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu Trung Quốc - Việt Nam suy giảm rõ rệt. Trong 9 tháng 2020, xuất khẩu tăng trưởng 15,1%, nhập khẩu tăng trưởng 4,1%. Còn trong 9 tháng năm nay, xuất khẩu tăng trưởng 6,2%, nhập khẩu tăng trưởng 12,1%.

Nguyên nhân chủ yếu là do đây là hai năm Trung Quốc thực hiện chính sách zero-covid và đóng cửa biên giới. Chính sách này đã hạn chế lượng hàng hóa giao thương giữa Việt Nam và Trung Quốc trong hai giai đoạn này. Việc Trung Quốc mở cửa trở lại có thể khiến cho tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu Việt Nam – Trung Quốc cải thiện hơn trong 2 tháng cuối năm 2022 và năm 2023.

Trong báo cáo cập nhật của Chứng khoán BIDV (BSC), công ty chứng khoán này dự đoán một số nhóm ngành có thể hưởng lợi từ động thái tái mở cửa của Trung Quốc.

Đầu tiên là nhóm ngành tiêu dùng, lương thực và chăn nuôi. Theo BSC, Trung Quốc mở cửa nền kinh tế có thể tác động tích cực đến biên lợi nhuận gộp của nhóm ngành tiêu dùng, lượng thực và chăn nuôi nhờ xu hướng giảm của chi phí vận chuyển khi vấn đề tắc nghẽn tại các cảng của Trung Quốc được giải quyết.

Ngoài ra, các doanh nghiệp có doanh thu xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ phục hồi đáng kể khi nhu cầu phục hồi, đặc biệt là nhóm xuất khẩu lúa gạo khi đây là thị trường xuất khẩu gạo lớn thứ 2 tại Việt Nam với 14% thị phần về giá trị trong 9 tháng đầu năm 2022.

Nhóm tiếp theo là nhóm thủy sản. Việc mở cửa của Trung Quốc sẽ có tác động tích cực đối với ngành cá tra của Việt Nam. Nguyên nhân do Trung Quốc luôn thuộc nhóm thị trường tiêu thụ cá tra lớn nhất và việc tiêu dùng bị thắt chặt trong gần ba năm dịch khiến nhu cầu bị kiềm nén trong khi tồn kho ở mức thấp. Do đó, việc Trung Quốc mở cửa sẽ kéo theo nhu cầu tiêu thụ cá tra tăng cao giúp cả ngành cá tra tăng trưởng.

Bên cạnh đó, sau khi mở cửa, các ngành nhập khẩu nguyên liệu chủ yếu từ Trung Quốc kỳ vọng sẽ phục hồi tốt như dệt may và sản xuất đồ nhựa. Tuy nhiên các ngành sẽ bị cạnh tranh với hàng hóa Trung Quốc là các doanh nghiệp bán hàng trong nước như gốm, nội thất, sắp thép, hóa chất, phân bón. Còn các ngành có tỷ trọng xuất khẩu cao sang Trung Quốc kỳ vọng sẽ hồi phục đầu ra như bông, sợi, cao su, nông sản và gỗ.

Ngành hàng không sẽ được hưởng lợi do các đường bay quốc tế phục hồi. Trung Quốc là thị trường hàng không lớn nhất đến Việt Nam. Cụ thể, Sản lượng khách du kịch đến từ Trung Quốc chiếm 32% tổng sản lượng khách quốc tế trước dịch.

Ngoài ra thì ngành du lịch được kỳ vọng cũng sẽ thu hút được khách du lịch Trung Quốc, giúp gia tăng tốc độ hồi phục của ngành dịch vụ lữ hành trong năm 2022 và 2023.

Đồng quan điểm, Chứng khoán VNDirect (VND) kỳ vọng khi Trung Quốc mở cửa, việc giao thương qua biên giới hai nước dễ dàng hơn cũng sẽ hỗ trợ xuất khẩu nông sản Việt Nam.

Cụ thể, xuất khẩu cao su, gạo, rau quả, thủy sản, gỗ & sản phẩm gỗ sang thị trường Trung Quốc sẽ được hưởng lợi từ xu hướng chi phí vận chuyển giảm và nhu cầu gia tăng từ thị trường Trung Quốc.

Ngoài ra, việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng góp phần ổn định chuỗi cung ứng nguyên vật liệu đầu vào cho lĩnh vực sản xuất của Việt Nam, nhất là ngành điện tử & linh kiện, máy móc thiết bị và dệt may.

Theo Anh Nhi (Kienthuc.net.vn)