Thay nhau bứt phá
Thị trường chứng khoán ghi nhận nhiều mã cổ phiếu ngân hàng bứt phá mạnh trong phiên giao dịch ngày 1/12. Cổ phiếu Techcombank (TCB) nhiều thời điểm tăng trần trước khi đóng phiên, tăng 1.500 đồng lên 27.400 đồng/cp cho dù thị trường chung điều chỉnh giảm.
Như vậy, Techcombank đã tăng 7 phiên liên tiếp, thêm hơn 25,4%, qua đó giúp tài sản của chủ tịch Hồ Hùng Anh có thêm hàng trăm triệu USD, lên mức 1,6 tỷ USD tính đến 1/12 theo ghi nhận của Forbes.
Cổ phiếu SHB của Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội của ông Đỗ Quang Hiển (Bầu Hiển) cũng tăng mạnh, nhiều lúc tăng hết biên độ cho phép (+7%), trước khi đóng cửa tăng thêm 550 đồng lên 10.650 đồng/cp. KienLongBank (KLB) tăng 1.400 đồng lên 17.200 đồng/cp.
Trong phiên cuối tháng 11, cổ phiếu VIBank (VIB) của ông Đặng Khắc Vỹ cũng bật tăng trần lên trên ngưỡng 20.000 đồng. Các cổ phiếu Eximbank (EIB), VPBank (VPB), PGBank (PGB),... đều tăng mạnh.
Trong phiên 29/11, cổ phiếu Eximbank cũng đã có một phiên tăng trần. Số lượng cổ phiếu ngân hàng tăng áp đảo số lượng cổ phiếu giảm.
Khối ngoại gần đây mua ròng nhiều mã ngân hàng như: Sacombank (STB), VietinBank (CTG), BIDV, Vietcombank (VCB),...
Ngành ngân hàng tích cực trong dài hạn
Theo ông Cao Việt Hùng, chuyên gia CFA của Chứng khoán ACB (ACBS), các cổ phiếu ngân hàng có định giá ở vùng thấp nhất lịch sử - đây là cơ hội hấp dẫn cho đầu tư dài hạn, dù dự báo lợi nhuận ngành ngân hàng sẽ tăng trưởng chậm lại trong quý IV/2022 và nửa đầu năm 2023.
Trong quý III/2022, lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng niêm yết trên HOSE tăng trưởng 55,7% so với cùng kỳ nhưng giảm 3% so với quý trước.
Trong ngắn hạn, theo ông Hùng, các thay đổi về chính sách và tình hình vĩ mô diễn biến theo hướng tích cực hơn sẽ là những chất xúc tác cho giá cổ phiếu ngành ngân hàng hồi phục.
Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán BSC nhận định, cổ phiếu ngân hàng có mức chiết khấu tương đối sâu, trong khi đó, sức khoẻ tài chính vẫn tương đối tốt và xứng đáng có mức định giá cao hơn.
Theo MBKE, Ngân hàng Nhà nước có thể đang dự thảo sửa đổi quy định về các tỷ lệ bảo đảm an toàn đối với các ngân hàng theo hướng hợp lý hơn và giảm đáng kể tỷ lệ dư nợ tín dụng trên vốn huy động (LDR) so với cách tính toán trước.
Tuy nhiên, theo ACBS, rủi ro giảm giá cổ phiếu ngành ngân hàng trong ngắn hạn gồm: tình trạng dòng vốn bị tắc nghẽn kéo dài gây ra khó khăn cho bất động sản và làm nợ xấu tăng cao; Fed tiếp tục tăng lãi suất.
Trong nước, lãi suất liên ngân hàng tăng sẽ tác động tiêu cực đến tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) của các ngân hàng vay ròng liên ngân hàng như Techcombank, VPBank, HDBank…
Trên hệ thống, làn sóng tăng lãi suất của các ngân hàng vẫn diễn ra rầm rộ do nhu cầu cuối năm và áp lực từ việc rút vốn khỏi kênh đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. Các kỳ hạn dài lên tới 9-10%/năm.
Cũng theo ông Cao Việt Hùng, mảng dịch vụ ngân hàng đầu tư dự báo sẽ gặp khó khăn do thị trường chứng khoán diễn biến không thuận lợi. Ngoài ra, thu nhập từ phí tư vấn phát hành sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực do Nghị định 65 đã thắt chặt điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.
Hoạt động thu hồi nợ ngoại bảng sẽ gặp khó khăn do thanh khoản thị trường bất động sản trầm lắng. Quá trình thanh lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ được dự báo sẽ chậm lại trong thời gian tới.
Dù lãi suất huy động tăng rất nhanh trong hai tháng gần đây, huy động vốn trong trong nền kinh tế vẫn tăng chậm. Tới cuối tháng 10, huy động vốn ước tăng 4,8% so với đầu năm, thấp hơn đáng kể so với tăng trưởng tín dụng 11,5%.
Theo Mạnh Hà (VietNamNet)