Nhóm cổ đông điều hành Eximbank chỉ nắm giữ 40% cổ phần

23/05/2016 10:06:00

Câu chuyện tranh giành quyền lực tại Eximbank được cho là xuất phát từ việc có sự liên minh giữa các nhóm cổ đông nắm đang nắm giữ khoảng 40% cổ phần nhưng lại điều hành toàn bộ hoạt động ngân hàng.

Câu chuyện tranh giành quyền lực tại Eximbank được cho là xuất phát từ việc có sự liên minh giữa các nhóm cổ đông nắm đang nắm giữ khoảng 40% cổ phần nhưng lại điều hành toàn bộ hoạt động ngân hàng.
 
nhom co dong dieu hanh eximbank chi nam giu 40% co phan hinh anh 1
 

Trong tài liệu họp ĐHĐCĐ có nội dung đề xuất nâng số lượng thành viên HĐQT từ 9 hoặc 11 thành viên theo đề nghị của 2 nhóm cổ đông lớn. Tuy nhiên, 2 nhóm cổ đông này đã không tham dự nên ĐHĐCĐ thường niên lần 1 đã phải hủy bỏ.

Thực hư cuộc tranh giành quyền lực tại Eximbank

Bình luận về sự việc này, bà Đỗ Minh Trang, chuyên viên phân tích Công ty chứng khoán TP.HCM (HSC) cho rằng, mặc dù Eximbank đã có HĐQT mới, nhưng việc đấu tranh quyền lực tại Eximbank vẫn tiếp tục diễn ra giữa các nhóm cổ đông và không có nhóm cổ đông nào giành được “quyền kiểm soát”.

“Tất nhiên, 2 nhóm cổ đông kể trên cũng không chắc chắn về khả năng thông qua việc nâng số lượng thành viên HĐQT. Trong khi đó, ban lãnh đạo ngân hàng cũng đang bị phân tâm vào chính thời điểm hết sức hệ trọng này”, bà Trang bình luận.

Cuộc tranh giành quyền lực tại Eximbank được cho là xuất phát từ việc có sự liên minh giữa các nhóm cổ đông trong điều hành hoạt động của Eximbank. Cụ thể, trong số 8 thành viên HĐQT hiện tại (do ông Cao Xuân Ninh đại diện cho cổ đông lớn là Vietcombank đã có đơn xin từ nhiệm), chỉ có 3 người là đại diện cho 3 nhóm cổ đông với tỷ lệ sở hữu khoảng 40% cổ phần tại Eximbank.

Cụ thể, ông Naoki Nishizawa và Yasuhiro Saitoh là thành viên HĐQT đại diện cho nhóm cổ đông nước ngoài gồm Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) đang sở hữu 185 triệu cổ phiếu EIB, tương đương 15% vốn điều lệ Eximbank, Mirae Asset Exim Investments Limited và VOF Investments Limited.

Ông Ngô Thanh Tùng đại diện cho nhóm cổ đông gồm bà Ngô Thu Thúy, các công ty có liên quan đến bầu Kiên (CTCP đầu tư ACB Hà Nội, Công ty TNHH đầu tư tài chính Á Châu Hà Nội, CTCP đầu tư Á Châu) và VOF Investments Limited. Trong đó, ông Tùng là thành viên HĐQT Công ty Âu Lạc, bà Ngô Thu Thúy hiện đang giữ chức danh cố vấn cho HĐQT Eximbank, Chủ tịch HĐQT Công ty Âu Lạc.

Nhóm còn lại bao gồm 5 thành viên trong HĐQT Eximbank là các ông Lê Minh Quốc, Nguyễn Quang Thông, Đặng Anh Mai, Lê Văn Quyết, Hoàng Tuấn Khải gần như không có người nào nắm giữ cổ phần của Eximbank. Ông Quốc hiện đang là thành viên HĐQT Công ty Âu Lạc của bà Ngô Thu Thúy.

Như vậy, trong số 8 thành viên HĐQT thì đến 4 thành viên HĐQT là người của SMBC và nhóm cổ đông Công ty Âu Lạc. Thế mới có chuyện hai nhóm cổ đông lớn là bà Loan và ông Phương muốn bổ sung thêm thành viên HĐQT từ  9 hoặc 11, trong khi đó HĐQT Eximbank lại cho rằng “HĐQT đã cân nhắc và thống nhất đây chưa phải là thời điểm thích hợp để bầu thành viên mới”.

Được biết, bà Loan là con gái bà Tư Hường (cổ đông lớn của NamABank). Bởi vậy, thị trường cũng đang có đồn đoán về việc giành ghế HĐQT tại Eximbank của nhóm cổ đông lớn đến từ NamABank. Hiện bà Loan không còn nắm giữ cổ phiếu của NamABank. Tuy vậy, theo báo cáo quản trị 6 tháng cuối năm 2015 của NamABank, gia đình bà Tư Hường vẫn là cổ đông lớn của NamABank với tỷ lệ nắm giữ là 26,32% vốn điều lệ.

Người trong cuộc phân trần

Tuy nhiên, trả lời báo chí, ông Ngô Thanh Tùng, thành viên HĐQT Eximbank, khẳng định không có cuộc tranh giành quyền lực như một số người cáo buộc.

“Eximbank đã có văn bản báo cáo cho Ngân hàng Nhà nước về việc xử lý kiến nghị của nhóm cổ đông do bà Loan, làm đại diện ngày 27.4.2016, để giải thích về khiếu nại của bà Loan”, ông Tùng cho biết.

Đại diện Eximbank khẳng định, việc không tiến hành bầu ngay theo yêu cầu của nhóm bà Loan có những lý do chính đáng. Mặc dù chưa nhận được hồ sơ đầy đủ về mặt pháp lý, HĐQT đã họp và bàn về vấn đề bà Loan đã yêu cầu.

“Trong phiên họp ngày 15.3 vừa qua, HĐQT ngân hàng đã thống nhất: Đây chưa phải là thời điểm phù hợp cho việc bầu cử bổ sung theo đề nghị của bà Loan. HĐQT vẫn đang cân nhắc và xin ý kiến của ĐHĐCĐ về số lượng thành viên HĐQT (9 hay 11) sao cho hiệu quả nhất cho Eximbank. Tuy nhiên, vì tôn trọng quyền của cổ đông nên HĐQT thống nhất đưa đề nghị của bà về việc bầu bổ sung hai thành viên vào chương trình nghị sự để ĐHĐCĐ thảo luận và xem xét”, ông Tùng giải thích.

Ông Tùng nhấn mạnh HĐQT ý thức được rằng, quản trị trong sạch, minh bạch, tuân thủ pháp luật và chuyên nghiệp không những mang lại lợi ích cho tất cả các cổ đông, trong đó có nhóm cổ đông do bà Loan và ông Phương làm đại diện, mà còn đóng góp tích cực cho hệ thống ngân hàng.

“Đây là một nỗ lực không dễ dàng của HĐQT chứ không phải cuộc tranh giành quyền lực như một số người cáo buộc”, ông Tùng nói.
 

Theo Nguyễn Minh (Dân Việt)