NHNN mua lại toàn bộ cổ phần OceanBank

25/04/2015 01:08:03

Ngân hàng Nhà nước vừa ra thông báo về việc mua lại toàn bộ cổ phần Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank), chấm dứt toàn bộ quyền, lợi ích, và tư cách của cổ đông hiện hữu của ngân hàng này.

 Ngân hàng Nhà nước vừa ra thông báo về việc mua lại toàn bộ cổ phần Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank), chấm dứt toàn bộ quyền, lợi ích, và tư cách của cổ đông hiện hữu của ngân hàng này.

Theo NHNN, OceanBank không có các giải pháp khả thi để tăng vốn điều lệ đảm bảo mức vốn pháp định theo yêu cầu của NHNN. Và do vậy, căn cứ quy định của luật các TCTD và quyết định 48/2013 của Thủ tướng về việc góp vốn mua cổ phần bắt buộc của TCTD được kiểm soát đặc biệt và chỉ đạo của Thủ tướng, NHNN đã tuyên bố mua bắt buộc toàn bộ cổ phần của các cổ đông hiện hữu tại OceanBank.

Việc NHNN trực tiếp mua lại toàn bộ cổ phần của OceanBank nhằm giúp NHNN hoàn toàn chủ động trong việc tiếp tục tái cơ cấu OCeanBank, đảm bảo chi trả tiền gửi, ngăn ngừa sự lây lan các yếu kém của ngân hàng này sang TCTD khác.

Để đảm bảo ổn định công tác quản trị, điều hành, NHNN chỉ định VietinBank tham gia quản trị, điều hành OceanBank. NHNN khẳng định toàn bộ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền tại OceanBank sẽ được đảm bảo.

NHNN mua lại toàn bộ cổ phần OceanBank

 
Hồi đầu tháng 2, NHNN cũng đã mua lại Ngân hàng Xây dựng (VNCB) với giá 0 đồng, chấm dứt toàn bộ quyền, lợi ích và tư cách cổ đông đối với các cổ đông và giao Vietcombank tham gia quản trị và điều hành VNCB.

Trước đó, trong chương trình Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời vào Tết Nguyên đán, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cũng hé mở khả năng sẽ có một số nhà băng được xử lý như VNCB và cho biết, việc này hoàn toàn phù hợp với pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế. Khi các cổ đông làm mất vốn của mình và thậm chí dùng vốn xã hội thì họ phải ra đi để Nhà nước tiếp quản lại nhằm giữ ổn định hệ thống cũng như đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho người dân, doanh nghiệp.

Theo ông Bình, dự kiến năm 2015, NHNN sẽ xử lý từ 6 đến 8 ngân hàng với có phương án sáp nhập đã được công bố như BIDV và MHB và một số cặp có thể tiến hành sáp nhập là: Vietinbank-PGBank; Vietcombank-SaiGon Bank.

Một số chuyên gia cho biết, để xử lý một ngân hàng có tỉ lệ nợ xấu cao, âm vốn có thể cho phá sản hoặc quốc hữu hóa. Trong cả hai trường hợp này, cổ đông đều mất hết vốn theo nguyên tắc lời ăn lỗ chịu. Tuy nhiên, nếu cho phá sản, người gửi tiền sẽ chỉ nhận được khoản tiền bảo hiểm tối đa 50 triệu, còn lại sẽ xử lý theo Luật Phá sản. Nhiều chuyên gia cho rằng không nên áp dụng phương án phá sản vào thời điểm này.

Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng hồi đầu tháng 3 cho biết, việc NHNN trực tiếp mua cổ phần ngân hàng hay chỉ đạo các NHTM nhà nước tham gia mua cổ phần là một giải pháp trong quá trình tái cơ cấu.

Trong năm 2015, ngành ngân hàng cũng thực hiện theo đúng các giải pháp đề ra tại Đề án tái cơ cấu theo Quyết định 254 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó đặt vấn đề tái cơ cấu toàn diện các ngân hàng trong đó kể cả các ngân hàng đang hoạt động tốt cũng phải hoạt động tốt hơn hoặc là các ngân hàng chưa tốt sẽ hoạt động tốt hơn. Những NH mà theo đánh giá của NHNN nếu có vấn đề như vốn điều lệ âm nhiều so với vốn pháp định có thể áp dụng một trong các giải pháp như đã đề cập.
 
Theo L.Hà (VietNamNet)