Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Công Thương lưu ý việc vận hành nhà máy thủy điện nhỏ đã hết hạn hợp đồng mua bán điện hoặc có hợp đồng mua bán điện nhưng giá điện đã hết hiệu lực.
Trước đó, EVN đã có văn bản nêu vướng mắc của thực trạng này nhưng chưa được Bộ Công Thương trả lời. Do đó, EVN tiếp tục có văn bản xin ý kiến.
Theo quy định pháp luật và các văn bản chỉ đạo của Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã không huy động các nhà máy thủy điện nhỏ này.
Tại văn bản hồi giữa tháng 12/2022, EVN cho hay căn cứ quy định, tập đoàn chỉ được phép vận hành các nhà máy điện này trong trường hợp cần thiết để đảm bảo an ninh cung cấp điện.
Do vậy, EVN kiến nghị trong khi chờ đàm phán giá điện theo hướng dẫn của Cục Điều tiết điện lực, cho phép EVN ký Hợp đồng với giá điện bằng chi phí vận hành và bảo dưỡng, các khoản thuế, phí theo quy định (thuế tài nguyên nước, phí môi trường rừng, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước). Đây là cơ sở để vận hành các nhà máy điện thuộc diện trên, tránh lãng phí tài nguyên như trường hợp nhà máy thủy điện Ry Ninh II (công suất 8MW, hết hạn giá điện từ tháng 4/2022).
Thời hạn áp dụng của Hợp đồng nêu trên tính từ ngày ký cho đến khi nhà máy có giá điện mới được quyết định bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc được đàm phán thống nhất theo hướng dẫn của nhà chức trách.
Tuy nhiên cho đến nay, Bộ Công Thương vẫn chưa có văn bản trả lời.
Theo EVN, đối với các nhà máy thủy điện nhỏ, việc không vận hành nhà máy sẽ dẫn đến phải xả nước gây lãng phí.
Theo Lương Bằng (VietNamNet)