Nghị định số 15 quy định giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) xuống còn 8% bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1.2.2022 đến hết năm 2022. Việc giảm thuế này áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế VAT 10%.
Trong Nghị định, Chính phủ không quy định giảm thuế VAT đồng loạt xuống còn 8% với tất cả các loại hàng hoá, dịch vụ mà đưa ra danh mục loại trừ hàng chục trang, với những hàng hóa, dịch vụ thuộc diện không được giảm, vẫn giữ nguyên mức thuế suất 10%, được quy định chi tiết trong 3 phụ lục đi kèm Nghị định này.
Có thể nói, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang gặp nhiều khó khăn thì đây là chính sách được đánh giá có tác động đến mọi giao dịch trên thị trường, trong đó người bán cũng như người mua đều được hưởng lợi.
Một chính sách có tác động khá lớn đến thị trường nên khi thực đang còn nhiều thắc mắc là điều khó tránh khỏi.
Chẳng hạn, công ty kinh doanh dịch vụ photo, khi xuất hoá đơn có được giảm 2% VAT không vì đầu vào mực in chịu thuế suất VAT 10% mà giấy thì 8%.
Hoặc bia rượu khi bán thương mại thì giữ nguyên 10% nhưng vẫn chai bia đó mà phục vụ khách trên bàn ăn thì lại thành dịch vụ ăn uống hưởng thuế suất 8%...
Cũng có nhiều ý kiến thắc mắc rằng, hợp đồng ký năm 2021 trở về trước, thuế suất VAT 10%, sang năm 2022 mới quyết toán thì có được tính thuế 8% không?
Hay hàng bán tháng 1.2022 nhưng chưa xuất hóa đơn nhưng giao dịch đã hoàn thành, khách đã trả tiền với thuế VAT 10% nhưng xuất hóa đơn trong tháng 2 thì được xuất 10% được không?
Trao đổi với Lao Động, chị T.T.H - Kế toán trưởng một cơ quan có trụ sở tại Hà Nội cho biết, do nhiều danh mục nhóm hàng không được giảm thuế nên các đơn vị phải tự tra xem mình thuộc đối tượng nào.
Chị T.T.H dẫn chứng đơn vị báo chí hoạt động theo giấy phép xuất bản, không có đăng ký kinh doanh nên gặp khó khăn khi xác định mặt hàng có được áp dụng chính sách hay không. Cụ thể, danh mục không được giảm thuế chia ra rất nhiều loại hàng hóa. Ví dụ: Tại mục a, phụ lục 3 của NĐ 15/2022, mục hàng 631103 loại hàng "Dịch vụ thiết kế, tạo không gian và thời gian quảng cáo trên internet".
“Vậy hiện nay, đơn vị khi áp dụng cho loại hình quảng cáo báo điện tử có được giảm thuế hay không?”, chị T.T.H đặt câu hỏi.
Trước ý kiến này, trao đổi với PV Lao Động, một lãnh đạo Văn phòng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho biết về cơ bản để xác định đối tượng được giảm thuế VAT, cơ sở kinh doanh căn cứ vào các hàng hóa, dịch vụ không được giảm thuế VAT ban hành kèm phụ lục của Nghị định 15.
Đối với từng hàng hóa, dịch vụ cụ thể để xác định có thuộc diện được giảm thuế hay không phải căn cứ vào các văn bản pháp luật chuyên ngành của từng loại hàng hóa, dịch vụ. Như đối với loại hình báo chí phải do Bộ Thông tin và Truyền thông căn cứ tình hình thực tế để xác định.
Về loại hình quảng cáo báo điện tử, Tổng cục Thuế đã xin ý kiến Bộ Thông tin và Truyền thông về danh mục ban hành kèm Nghị định 15. Về cơ bản Bộ thông tin và Truyền thông xác định quảng cáo báo điện tử nằm trong mặt hàng về điện tử và không thuộc diện được giảm thuế theo Nghị định 15.
Nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay mới chỉ có Nghị định mà chưa có thông tư hướng dẫn nên cả doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý thuế khó có thể tiếp cận và triển khai đồng bộ để chính sách mới được áp dụng thực hiện hiệu quả.
Theo Anh Huy (Lao Động)