Một số thương nhân tại ba chợ đầu mối bắt đầu hoạt động trở lại, sức mua không cao, lượng hàng nhập chợ thấp, đạt 1.010 tấn/đêm, tương đương 10,9% so ngày thường; chủ yếu các mặt hàng rau củ.
Theo thông báo trước đó, tất cả các hệ thống bán lẻ thuộc như Co.opmart, Co.opFood... đã mở cửa kinh doanh với khung giờ từ 8 giờ sáng đến 12 giờ trưa từ mùng 2 cho đến mùng 5 tết, sau đó, từ ngày mùng 6 tết trở đi sẽ mở cửa hoạt động theo khung giờ bình thường.
Trong sáng 17-2, khách đến các siêu thị còn rải rác nhưng ai cũng khẩn trương ở quầy thực phẩm tươi sống, rau củ quả.
Tại siêu thị Co.opmart Phan Văn Trị (Q.Gò Vấp), trong khi các loại rau lá chưa có nhiều, chủ yếu là những mặt hàng rau đã đóng gói từ ngày 14-2, nhưng củ, quả, trái cây thì khá đa dạng.
Trong khi đó quầy hàng thủy hải sản vẫn chưa hoạt động trở lại, khách đành chọn gà, thực phẩm đông lạnh thay thế.
Theo các nhà bán lẻ, những ngày này hầu như như người dân đều đã về quê để đón Tết, hoặc đi du lịch ra khỏi thành phố nên sức mua thấp, siêu thị mở cửa để chia sẻ nhu cầu với người tiêu dùng, tránh tăng giá ở chợ lẻ.
Trong khi đó, hàng hóa tại siêu thị Emart (Q.Gò Vấp) có phong phú hơn, lượng khách đến đây ngoài mua sắm hàng thiết yếu, còn tham gia các hoạt động khuyến mãi, thưởng thức thực phẩm chế biến sẵn trong khu vực tự chọn.
Tại các siêu thị, một số chương trình khuyến mãi trước Tết vẫn được tiếp tục thực hiện như thịt heo các loại giảm 10 đến 15%, cà rốt Đà Lạt giảm 26.500 đồng/kg giảm còn 15.900 đồng/kg, khoai Tây còn 28.500 đồng/kg, dưa leo còn 15.000 đồng/kg…
Tình hình ở chợ lẻ cũng khá trầm, hầu hết các sạp đều nghỉ Tết, chỉ có một số ít tiểu thương mở cửa bán lấy ngày, kinh doanh chủ yếu các mặt hàng thịt, cá, gà, rau củ, quả, bông cúng, đồ cúng.. lượng khách đến chợ không cao. Giá vẫn cao so với trước tết.
Tuy nhiên, do nhu cầu không nhiều nên nhiều người mua hàng vẫn chấp nhận.
Theo Sở Công thương TP.HCM, sức mua thị trường Tết năm nay tăng 10%-15% so với tết Đinh Dậu 2017, trong đó mãi lực tại các hệ thống phân phối hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện lợi...tăng từ 20%-30%.
Người tiêu dùng tiếp tục có xu hướng thay đổi dần tập quán mua sắm, tiêu dùng: thay cho "ăn Tết" bằng "vui Tết", "chơi Tết", chuyển từ kênh mua sắm truyền thống sang kênh mua sắm hiện đại, mua sắm online trên mạng và giảm bớt thói quen mua dự trữ hàng hóa.
Trong ngày mùng 2 Tết, một số hội hoa xuân, hội chợ và cửa hàng, quán ăn vẫn tiếp tục hoạt động phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí của người dân.
Tuy nhiên, do là thời gian nghỉ tết, các loại hình dịch vụ phải thuê mướn lao động ngoài giờ, trả lương cao nên giá cả có tăng lên. Bên cạnh đó, nhiều hệ thống cửa hàng thức ăn nhanh cũng mở cửa phục vụ vào thời điểm Tết với giá không đổi và thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi cho khách hàng vào đầu năm.
Theo N.Bình (Tuổi Trẻ)