Nhiều phân khúc bất động sản lao đao trước đại dịch COVID-19 kéo dài

26/07/2021 15:35:34

Theo báo cáo nghiên cứu thị trường bất động sản quý II/2021 của Colliers Việt Nam, trước ảnh hưởng của dịch COVID-19 kéo dài, bên cạnh một số phân khúc tiếp tục ghi nhận mức tăng giá như nhà đất, căn hộ, khu công nghiệp thì xuất hiện nhiều sản phẩm bất động sản cho thuê có giá “lao dốc" như mặt bằng nhà phố, căn hộ dịch vụ, văn phòng…

Giá thuê mặt bằng nhà phố giảm sâu vẫn ế ẩm

Báo cáo của Colliers Việt Nam - một đơn vị chuyên nghiên cứu thị trường bất động sản cho biết, bắt đầu từ tháng 5, làn sóng COVID-19 lần thứ 4 bùng phát tại Việt Nam, đã khiến cho nhiều thành phố lớn như TPHCM và Hà Nội buộc phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 và 16.

Diễn biến trên khiến cho thị trường bán lẻ gặp phải khó khăn lớn trong thời gian qua khi các trung tâm thương mại lớn buộc phải đóng cửa và nhà phố chịu sự đìu hiu, vắng vẻ do khách thuê không thể trụ vững trước dịch bệnh.

Tại TP.HCM, trong khu vực trung tâm hành chính, giá thuê trung bình tại các trung tâm thương mại giảm 15% trong thời gian diễn ra dịch bệnh, từ 3,1 triệu đồng/m2/tháng còn 2,64 triệu đồng/m2/tháng, với tỷ lệ trống trung bình khoảng 1,5%.

Giá thuê trung bình ở khu vực ngoài trung tâm có mức giảm sâu hơn, khoảng 30% trong thời gian diễn ra dịch bệnh, từ 805.000 đồng/m2/tháng còn 563.000 đồng/m2/ tháng, tỷ lệ trống trung bình khoảng 14%.

Nhiều phân khúc bất động sản lao đao trước đại dịch COVID-19 kéo dài

Giá thuê mặt bằng nhà phố giảm sâu ít nhất 20-50% so với giá trước khi diễn ra dịch bệnh. Trong ảnh: Những căn nhà phố liền kề nhau ở các tuyến phố vốn sầm uất trước đây giờ đồng loạt treo biển cho thuê đã lâu nhưng không có người hỏi thuê.

Tương tự, tại Hà Nội giá thuê trung bình tại các trung tâm thương mại cũng giảm nhẹ trong giai đoạn diễn ra dịch bệnh. Theo đó, trong khu vực trung tâm hành chính, giá thuê được ghi nhận giảm 10%, từ gần 2,5 triệu đồng /m2/tháng còn 2,25 triệu đồng/m2/tháng, tỷ lệ trống trung bình khoảng 11%.

Về phân khúc nhà phố cho thuê, do tiềm lực của khách thuê nhà phố không mạnh như khách thuê tại khu trung tâm thương mại, do đó mức giảm giá thuê mặt bằng nhà phố giảm mạnh hơn so với giá thuê trung tâm thương mại.

"Cả TPHCM và Hà Nội, giá thuê mặt bằng nhà phố giảm từ ít nhất 20-50% so với giá trước khi diễn ra dịch bệnh", báo cáo của Colliers nêu rõ.

Nhiều tòa nhà cho thuê đóng cửa, chuyển đổi thành các cơ sở cách ly

Cũng theo Colliers, Việt Nam đang bị ảnh hưởng bởi đợt dịch bùng phát thứ 4 bắt đầu từ cuối tháng 4/2021, được coi là đợt bùng phát nghiêm trọng nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu do các chủng vi rút mới lây lan nhanh hơn. Sự bùng phát dịch đang lan rộng không chỉ ở Việt Nam mà còn lan rộng ra nhiều nước Đông Nam Á. Đại dịch đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường bất động sản cho thuê, bao gồm cả căn hộ dịch vụ.

Những quý vừa qua ghi nhận ít khách thuê hơn và nhiều căn hộ dịch vụ thuộc phân khúc trung và cao cấp đang có tỷ lệ trống cao. Hiện tại, khách chủ yếu là khách dài hạn, một số ít khách ngắn hạn do lệnh hạn chế đi lại.

Báo cáo của Colliers cho biết, tại TPHCM, căn hộ dịch vụ liên tục ghi nhận giá chào thuê trung bình giảm, mặc dù giá của năm 2020 đã ghi nhận giảm tới 30%.

Cụ thể, giá chào thuê trung bình ở phân khúc hạng A rơi vào khoảng 614.000 đồng/m2/ tháng và 575.000 đồng/m2/tháng cho hạng B, giảm lần lượt 11,7% và 1,97% so với quý I. Tỷ lệ lấp đầy giảm từ 10-20% so với quý trước ở cả hai phân khúc.

Nhiều phân khúc bất động sản lao đao trước đại dịch COVID-19 kéo dài - 1
Nhiều tòa nhà đã đóng cửa hoặc chuyển đổi thành các cơ sở cách ly để thích ứng với đại dịch. Ảnh minh họa.

Cùng với đó, nhiều tòa nhà đã đóng cửa hoặc chuyển đổi thành các cơ sở cách ly để thích ứng với đại dịch. Căn hộ dịch vụ tại TPHCM cũng đang phải cạnh tranh gay gắt với căn hộ chung cư cho thuê do giá cả hợp lý.

Tại Hà Nội, giá thuê căn hộ dịch vụ liên tục ghi nhận giá chào thuê trung bình giảm. Giá chào thuê trung bình ở phân khúc hạng A giảm từ 138.000 - 184.000 đồng/m2/tháng và 69.000 - 115.000 đồng/m2/tháng đối với phân khúc hạng B. Tỷ lệ lấp đầy trung bình giảm từ 15 - 25% so với quý trước.

Trước tình hình đó, các chủ nhà trọ đã chủ động thực hiện các biện pháp hỗ trợ khách thuê như cắt giảm tiền thuê nhà, hóa đơn điện, nước và các dịch vụ đi kèm để tăng công suất thuê qua đại dịch.

Cũng theo báo cáo của Colliers, giá thuê văn phòng trung bình quý II năm nay tại TPHCM ghi nhận một mức giảm rõ rệt so với quý I. Cụ thể, phân khúc hạng A giảm hơn 1%, phân khúc hạng B giảm nhẹ 0,3%. Sự sụt giảm giá thuê này một phần đến từ sự ảnh hưởng của dịch COVID-19. Chính sách giảm giá thuê tạm thời từ 10-20% cho một số khách thuê nhằm hỗ trợ tài chính được áp dụng trở lại trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành nặng.

Trong khi đó, giá trị văn phòng cho thuê tại Hà Nội được duy trì ổn định trong quý II năm nay, mặc dù trong thời gian thành phố thực hiện giãn cách. Những thay đổi nhỏ về mức độ lấp đầy phản ánh việc di dời từ các vị trí văn phòng hạng A sang hạng B do giá thuê thấp hơn và các ưu đãi cho thuê có sẵn từ chủ đầu tư.

Nhà đầu tư sẽ tập trung thị trường trọng điểm

Theo chuyên gia Colliers, mặc dù đại dịch kéo dài, nhưng nhìn chung thị trường bất động sản biệt thự, nhà phố cho thấy những tín hiệu tích cực, đặc biệt là ở các thị trường trọng điểm. Nó cũng tác động đến các lựa chọn đầu tư và sinh sống của người mua.

"Với thời gian ở nhà kéo dài do đại dịch, người mua có khả năng ưu tiên không gian sống trong lành, khu đô thị đầy đủ tiện ích và quản lý tốt. Với làn sóng thứ tư của đại dịch, giãn cách xã hội đã hạn chế việc đi lại và điều này có thể khiến các nhà đầu tư tập trung nhiều hơn vào các thị trường trọng điểm như TP.HCM và Hà Nội hơn là các tỉnh khác như Vũng Tàu và Nha Trang", chuyên gia Colliers nhận định.

Theo Ninh Phan (Tiền Phong)