Nhiều người bị lừa tiền vì để lộ thông tin khi mua sắm online

20/11/2024 09:01:31

Có rất nhiều trường hợp người tiêu dùng để lộ đơn hàng và số điện thoại khi mua sắm online, dẫn đến những cuộc gọi nhận hàng giả mạo, sau đó mất tiền.

Ngày 19-11, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương) có báo cáo về Kiểm soát chất lượng hàng hóa trong thương mại điện tử (TMĐT): Thực trạng và một số khuyến nghị.

Nhiều người bị lừa tiền vì để lộ thông tin khi mua sắm online
Mua sắm online tránh để lộ thông tin đơn hàng, số điện thoại

Theo báo cáo, TMĐT tại Việt Nam là một hình thức bán hàng phát triển ngày càng mạnh mẽ thông qua sàn TMĐT như TikTok, Lazada, Shopee…

Tuy nhiên, các đối tượng lợi dụng TMĐT để kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ xuất xứ, hàng không đảm bảo chất lượng và lợi dụng TMĐT để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Các hành vi này ngày càng tinh vi, khó lường cả về quy mô lẫn địa bàn hoạt động.

9 tháng đầu năm 2024, Ủy ban đã tiếp nhận và giải quyết đơn thư khiếu nại qua các hình thức như email hoặc bưu điện, công văn với 64 vụ việc trên tổng số 683 vụ việc đã được tiếp nhận.

"Mặc dù, đây chưa phải là con số được tổng kết hết năm 2024 nhưng với số vụ việc đó chiếm khoảng 9,4% so với tổng số vụ việc khiếu nại, vậy so với năm 2023 là 5,5% thì tỉ lệ vụ việc về TMĐT đã tăng lên đáng kể" - Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia cho biết.

Trước thực tế trên, Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia cho biết các sàn phải đảm bảo các nhà bán hàng công khai thông tin của người bán và thông tin sản phẩm trên kênh bán hàng của mình đầy đủ, chính xác tất cả các mặt hàng sản phẩm mà mình kinh doanh.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng không chia sẻ và tiết lộ những thông tin cá nhân đặc biệt là các thông tin về đơn hàng của mình cho các đối tượng không có liên quan, hoặc đối tượng có thể lợi dụng thông tin cá nhân này để lừa đảo, xâm hại đến lợi ích của người tiêu dùng.

Theo Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, có rất nhiều trường hợp người tiêu dùng bị lộ đơn hàng và số điện thoại, dẫn đến những cuộc gọi nhận hàng không phải đơn hàng và sản phẩm mà mình.

Những cuộc gọi này nhằm đánh vào việc một số người mua hàng quen thuộc thường tin tưởng và chuyển khoản tiền ship hoặc cả tiền hàng cho người vận chuyển hàng khi không có mặt người nhận.

"Cuối cùng khách hàng vừa mất tiền mà không được nhận đúng sản phẩm mà mình mong muốn" - Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cảnh báo.

Cùng với đó, người tiêu dùng thực hiện giao dịch, người tiêu dùng cần xác minh, tìm hiểu kỹ thông tin của đơn vị bán hàng; có thể thông qua các công cụ tìm hiểu, các review đánh giá về cửa hàng và sản phẩm… để tăng mức độ hiểu biết, hỗ trợ cho quyết định đặt hàng của mình.

Lựa chọn giao dịch mua hàng hóa, dịch vụ trên các sàn TMĐT có uy tín, đặc biệt là các sàn thương mại điện tử đã được Bộ Công Thương, cơ quan có thẩm quyền cấp chứng nhận, cho phép hoạt động.

Theo Lê Thúy (Nld.com.vn)