Nhiều ngân hàng vừa điều chỉnh lãi suất huy động

27/05/2021 14:15:28

Trong nửa cuối tháng 5, nhiều ngân hàng đã công bố biểu lãi suất huy động mới dành cho khách hàng cá nhân với diễn biến trái chiều.

SHB vừa công bố biểu lãi suất huy động dành cho khách hàng cá nhân, áp dụng từ 27/5. So với hồi tháng 4, hiện lãi suất của SHB tăng 0,1-0,3%/năm ở nhiều kỳ hạn.

Chẳng hạn, ở kỳ hạn 36 tháng,lãi suất khi gửi tại quầy hiện nay là 6,4%/năm và gửi online là 6,6%/năm, đều tăng 0,3 điểm phần trăm so với tháng trước.

Tại kỳ hạn 12 tháng, lãi suất tăng 0,2 điểm phần trăm lên 5,8%/năm (khi gửi tại quầy số tiền từ 2 tỷ trở lên), tăng 0,35 điểm phần trăm khi gửi online lên 6,15%/năm.

Tương tự, kỳ hạn 24 tháng tăng 0,1-0,25%/năm lên 6,2-6,55%/năm; kỳ hạn 6 tháng tăng 0,2-0,25%/năm lên 5,3-5,75%/năm.

Nhiều ngân hàng vừa điều chỉnh lãi suất huy động
Lãi suất tiền gửi tại quầy của SHB

VPBank mới đây cũng công bố biểu lãi suất huy động mới áp dụng từ ngày 25/5 nhưng lại chủ yếu điều chỉnh giảm.

Chẳng hạn, tại kỳ hạn gửi 1 tháng khi gửi tại quầy, lãi suất giảm từ 3,25-3,65%/năm xuống 3,18-3,58%/năm. Hay tại kỳ hạn 6 tháng, lãi suất giảm 0,1 điểm phần trăm xuống 4,7-5,2%/năm. Kỳ hạn 12 tháng cũng giảm 0,1 điểm phần trăm xuống mức 5,0-5,5%/năm,…

Trong khi giảm 0,1 điểm phần trăm ở hầu hết các kỳ hạn thì riêng kỳ hạn 3 tháng, VPBank lại tăng 0,1 điểm phần trăm lên 3,6-3,95%/năm.

Diễn biến này cũng tương tự đối với bảng lãi suất tiền gửi qua kênh online. Theo đó, lãi suất cao nhất tại VPBank hiện nay là 6,4%/năm áp dụng cho kỳ hạn 36 tháng, tiền gửi trên 50 tỷ đồng.

Nhiều ngân hàng vừa điều chỉnh lãi suất huy động - 1
Biểu lãi suất VPBank (áp dụng từ 25/5).

Techcombank thay đổi biểu lãi suất huy động dành cho khách hàng cá nhân từ hôm 21/5.

Trong đó, tại kỳ hạn 1 - 2 tháng, lãi suất giảm từ 2,9-3,2%/năm xuống 2,8-3,1%/năm. Cụ thể, khách hàng thường được áp dụng lãi suất 2,8-3%/năm tùy thuộc vào số tiền gửi. Khách hàng ưu tiên được áp dụng lãi suất 2,9-3,1%/năm.

Lãi suất kỳ hạn 3 tháng cũng giảm 0,1 điểm phần trăm xuống 3-3,3%/năm. Trong đó, khách hàng thường gửi dưới 1 tỷ hưởng lãi suất 2,9%/năm, khách hàng ưu tiên gửi trên 3 tỷ có lãi suất 3,3%/năm.

Sacombank áp dụng biểu lãi suất mới từ 10/5 và tăng 0,1 – 0,2 %/năm đối với nhiều kỳ hạn. Chẳng hạn, đối với hình thức gửi tại quầy lãi suất kỳ hạn 2 tháng tăng 0,2%/năm lên 3,5%/năm; kỳ hạn 3 – 5 tháng tăng 0,2%/năm lên 3,6%/năm; kỳ hạn 6 tháng tăng 0,2 điểm phần trăm lên 5%/năm.

Trong khi đó, các kỳ hạn 12 tháng, 24 tháng, 36 tháng tăng 0,1 điểm phần trăm lên lần lượt 5,7%/năm; 5,7%/năm và 6,4%/năm.

Tương tự, biểu lãi tiền gửi online của Sacombank cũng tăng 0,1-0,2%/năm. Hiện lãi suất cao nhất tại ngân hàng là 6,7% thay vì 6,5%/năm như trước đó, áp dụng cho hình thức gửi online kỳ hạn 36 tháng.

Nhiều ngân hàng vừa điều chỉnh lãi suất huy động - 2
Biểu lãi suất của Sacombank áp dụng từ 10/5

TPBank cũng thay đổi lãi suất trong tháng này, hôm 19/5, ngân hàng công bố biểu lãi suất mới trong đó bổ sung thêm lãi suất cho gói tài khoản mới là tài khoản Đắc Lộc.

Theo đó, lãi suất cao nhất ở kỳ hạn 12 tháng hiện nay là 6,5%/năm (đối với tài khoản Đắc Lộc), cao hơn so với mức cao nhất được niêm yết trong tháng trước (chỉ 6,15%/năm đối với tiền gửi online).

Nhìn chung, lãi suất huy động trên thị trường trong vài tháng trở lại đây tiếp tục duy trì ổn định. Chỉ một vài ngân hàng kể trên có thay đổi lãi suất trong tháng 5 nhưng không cùng một xu hướng.

Nhiều chuyên gia cho rằng, biến động lãi suất tăng ở một số ngân hàng chỉ mang tính cục bộ, chưa biểu thị cho một xu hướng tăng lãi suất của toàn thị trường, mặt bằng lãi suất sẽ giữ ổn định ở mức thấp trong ngắn hạn do dịch bệnh làm giảm cầu tín dụng.

4 ngân hàng có thị phần huy động cao nhất là Agribank, BIDV, VietinBank, Vietcombank cũng không thay đổi lãi suất trong 2 tháng qua. Dù vậy, khi cầu tín dụng tăng mạnh trở lại, cùng với áp lực lạm phát, chuyên gia cho rằng lãi suất huy động có thể sẽ nhích tăng trong nửa cuối năm nay.

Theo Thu Thủy (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)

Nổi bật