Kết quả lợi nhuận năm 2016 tăng trưởng tốt so với năm 2015, nhiều ngân hàng sẽ tiếp tục đặt mục tiêu lợi nhuận năm 2017 tăng trưởng rất mạnh.
Chưa tổ chức ĐHĐCĐ nhưng nhiều ngân hàng đã công bố tài liệu trong cuộc họp để trình cổ đông thông qua. Theo đó, không ít đơn vị đặt kế hoạch lợi nhuận trong năm 2017 sẽ tăng trưởng rất mạnh.
Nhiều đơn vị tự tin đặt kế hoạch lãi cao
Mới đây, HĐQT Eximbank đã thông qua các chỉ tiêu kinh doanh năm 2017 với lợi nhuận trước thuế đạt 600 tỷ đồng, tăng 54% so với năm 2016. Bên cạnh mục tiêu lợi nhuận tăng mạnh, Eximbank còn kế hoạch đến hết năm 2017, tổng tài sản đạt 150.000 tỷ đồng, tăng 16%; huy động vốn đạt 120.000 tỷ đồng và dư nợ tín dụng đạt 108.875 tỷ đồng và tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 3%.
Trước đó, chưa ghi nhận kết quả lợi nhuận lớn nhưng lợi nhuận trước thuế năm 2016 của Eximbank đã tăng hơn 6 lần so với năm 2015 và đạt gần 391 tỷ đồng.
Eximbank dự kiến sẽ trình ĐHĐCĐ thường niên kế hoạch lợi nhuận năm 2017 đạt 600 tỷ đồng. Đồ họa: Quang Thắng. |
Với OCB, năm 2016 nhà băng này đã hoàn thành vượt bậc các chỉ tiêu đặt ra như lợi nhuận trước thuế đạt 484 tỷ đồng, vượt 108% kế hoạch; tổng tài sản đạt 63.834 tỷ đồng, tăng 29%; tỷ lệ nợ ở mức 1,51%.
OCB cũng dự kiến sẽ trình ĐHĐCĐ thường niên năm 2017 với kế hoạch tăng trưởng tổng tài sản 33%, lên 85.000 tỷ đồng và 780 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 60% so với năm 2016.
Sở hữu mức tăng lợi nhuận năm 2016 đạt 27%, Ngân hàng Á Châu tiếp tục đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2017 đạt 2.205 tỷ đồng, tăng 32% so với năm 2016. Đồng thời, ACB cũng kế hoạch tăng trưởng tổng tài sản, dư nợ tín dụng và huy động vốn đều tăng 16%; tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%.
Năm 2016, HDBank ghi nhận 1.282 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, mức cao kỷ lục kể từ khi thành lập của ngân hàng, tương đương mức tăng lên tới gần 63% so với năm trước. Dự kiến ngày 21/4 tới đây, HDBank sẽ trình ĐHĐCĐ thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2017 với kết quả lợi nhuận trước thuế đạt 1.643 tỷ đồng, tăng 28%; mục tiêu cho vay đạt 123.491 tỷ đồng và tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 1,5%.
Nhiều ngân hàng khác trong hệ thống cũng đặt kế hoạch lợi nhuận tăng trưởng khá trong năm 2017 như MBBank với kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2017 lên tới 4.300 tỷ đồng, tăng gần 18%...
Số khác thận trọng
Tuy nhiên, một số ngân hàng lại tỏ ra khá thận trọng với kế hoạch lợi nhuận trong năm 2017 của mình khi chỉ đưa ra mức tăng trưởng trên dưới 10%.
LienVietPostBank sau khi có một năm 2016 kinh doanh khá thành công khi kết quả lợi nhuận tăng gấp 3 lần so với năm trước đạt 1.348 tỷ đồng. Tuy nhiên, năm 2017, ngân hàng này chỉ đặt ra mục tiêu lãi trước thuế đạt 1.500 tỷ đồng, tăng 11%.
Một số ngân hàng cỡ lớn chỉ đặt mục tiêu lợi nhuận tăng trưởng trên dưới 10% trong năm 2017. Đồ họa: Quang Thắng. |
Tại Vietcombank, năm 2016, ngân hàng ghi nhận kết quả lợi nhuận trước thuế đạt 8.517 tỷ đồng, tăng 25% so với năm trước đó, đồng thời tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank tiếp tục giảm mạnh xuống mức 1,44% và trở thành ngân hàng đầu tiên sạch nợ tại VAMC.
Thế nhưng chính việc là ngân hàng đầu tiên sạch nợ tại VAMC nên tỷ lệ quỹ dự phòng rủi ro của ngân hàng ở mức khá cao ảnh hưởng tới các chỉ tiêu kế hoạch trong năm 2017. Theo đó, HĐQT Vietcombank đã đề ra kế hoạch năm 2017, tổng tài sản tăng 11%, dư nợ tín dụng và huy động vốn tăng lần lượt 18% và 15%, tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 1,5% và lợi nhuận trước thuế chỉ tăng 12%, tương đương 9.200 tỷ đồng.
Một ngân hàng cỡ lớn khác cũng đặt kế hoạch lợi năm 2017 không tăng trưởng quá nhiều là Agribank. Theo đó, Agribank chỉ đặt mục tiêu lợi nhuận tăng tối thiểu 10% trong năm 2017 cùng với mức tăng dư nợ tín dụng đạt 14-18%.
Vì sao ngân hàng tự tin đặt mục tiêu lợi nhuận?
Trao đổi với Zing.vn, ông Nguyễn Thanh Toại - Phó tổng giám đốc Ngân hàng ACB - cho biết trong kế hoạch kinh doanh năm 2017, ACB đã xác định rõ những thuận lợi và khó khăn có thể gặp phải trong năm 2017 và sẽ trình cổ đông thông qua tới đây.
Chủ trương của ngân hàng là không đặt kế hoạch lợi nhuận tăng trưởng quá cao mà hướng tới sự bền vững. “Tăng nóng không bao giờ là hiệu quả, mà phải tăng trưởng một cách bền vững. Năm 2017, ngân hàng không đặt mục tiêu lợi nhuận quá cao mà chỉ ở mức vừa đủ và các cổ đông của ngân hàng cũng nhất trí theo định hướng của ngân hàng”, ông Toại chia sẻ.
Ông Toại cũng cho biết thêm năm 2017 mảng bán lẻ và khách hàng cá nhân vẫn sẽ là trọng tâm phát triển của ACB. “Ngay từ khi thành lập, chúng tôi đã chủ trương trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu, vì vậy năm 2017, ngân hàng vẫn sẽ đẩy mạnh mảng bán lẻ và hướng tới đối tượng khách hàng cá nhân", ông Toại cho biết.
Một lãnh đạo ngân hàng khác cho biết việc đặt kế hoạch lợi nhuận tăng trưởng tốt là do HĐQT ngân hàng đã nhận thấy tiềm năng phát triển trong năm 2017. Để đạt được kế hoạch như đã đặt ra, ngân hàng cũng đã có kế hoạch và định hướng phát triển trong tài liệu trình đại hội cổ đông.
Vị này cho biết kế hoạch lợi nhuận tại mỗi ngân hàng phụ thuộc vào tình hình và định hướng của ngân hàng trong năm tài chính. “Định hướng kinh doanh và tình hình thực tế tại mỗi ngân hàng khác nhau, nên kế hoạch lợi nhuận trong năm của mỗi ngân hàng cũng khác nhau. Tuy nhiên, các ngân hàng đều có căn cứ để đưa ra kế hoạch phát triển của mình cho cổ đông và sẽ có chiến lược để thực hiện kế hoạch đó” vị này cho biết.
Theo Quang Thắng (Tri Thức Trực Tuyến)