Cục Thống kê Hà Nội cho biết, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp cùng với việc thực hiện quyết liệt các giải pháp cấp bách của Chính phủ và thành phố nhằm kiểm soát, khống chế dịch bệnh, trong đó có thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn từ ngày 24/7/2021 đã tác động đến tình hình sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp và tình hình kinh tế trên địa bàn 8 tháng qua. Đây là thực tế khó tránh khỏi, trong bối cảnh khó khăn chung của cả nước.
Cụ thể, sản xuất công nghiệp tháng 8 giảm mạnh so với tháng trước và cùng kỳ năm trước. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) giảm 8% so với tháng trước và giảm 6,7% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo giảm lần lượt là 8,8% và 8%; sản xuất và phân phối điện giảm 2% và tăng 5,6%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 1% và tăng 2,5%; khai khoáng giảm 0,5% và tăng 13,2%.
Tính chung 8 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,3% so với cùng kỳ, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,3%; sản xuất và phân phối điện tăng 7,1%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 6,3%; khai khoáng tăng 5,5%.
Trong tháng 8, Hà Nội có 12 dự án đầu tư nước ngoài được cấp phép mới với tổng vốn đăng ký đạt 17,6 triệu USD. Bên cạnh đó, có 2 dự án được điều chỉnh tăng vốn đầu tư với số vốn đầu tư đăng ký đạt 47 nghìn USD; nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua phần cổ phần 7 lượt, đạt 1,1 triệu USD. Lũy kế 8 tháng của năm 2021, toàn thành phố Hà Nội thu hút 841,8 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài.
8 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cũng đạt 9,785 tỷ USD, giảm 5,2% so với cùng kỳ năm trước. Các nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu 8 tháng giảm so với cùng kỳ là: Máy vi tính, hàng điện tử và linh kiện đạt 1,24 tỷ USD, giảm 16,2%; hàng nông sản đạt 516 triệu USD, giảm 10,6% (trong đó gạo giảm 38,8%; cà phê giảm 11,6%)...
Chỉ số giá các mặt hàng tăng nhẹ
Chỉ số CPI tháng 8/2021 trên địa bàn Hà Nội tăng 0,77% so với tháng trước và tăng 2,81% so với cùng kỳ năm trước. CPI bình quân 8 tháng của năm 2021 tăng 1,49% so với bình quân cùng kỳ.
Trong tháng, có 8/11 nhóm hàng có chỉ số giá tăng so với tháng trước. Tăng cao nhất là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, với mức tăng 2,21% (thực phẩm tăng 3,27%; lương thực tăng 0,74%), tác động làm tăng CPI chung 0,69%, nguyên nhân do trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, việc đi lại cung ứng hàng hóa lương thực, thực phẩm trên địa bàn cũng như với các tỉnh gặp nhiều khó khăn...
Tiếp theo, nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,5% (tác động làm tăng CPI chung 0,1%) do sản lượng tiêu thụ điện sinh hoạt tăng cao. Bên cạnh đó, giá gas đun, giá dầu cũng tăng đáng kể.
Các nhóm còn lại có chỉ số giá tăng nhẹ và bằng tháng trước: Đồ uống và thuốc lá tăng 0,25%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,21%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,05%; thuốc, dịch vụ y tế và hàng hóa dịch vụ khác cùng tăng 0,02%; giáo dục tăng 0,01%.
Theo Hiểu Minh (Tiền Phong)