Ngày 13/7, khảo sát tại một số chợ dân sinh ở TPHCM, giá cả nhiều mặt hàng rau củ cao ngất ngưỡng. Tại chợ Nguyễn Tri Phương (Q.10), các loại rau như xà lách, hành lá, cải bó xôi có giá từ 90.000-100.000 đồng/kg, su su 50.000 đồng/kg... Mức giá này được người dân cho biết tăng gấp 2-3 lần so với thời điểm bình thường. Một quầy hàng chuyên kinh doanh rau củ Đà Lạt đóng gói sẵn từng loại rau củ để người tiêu dùng dễ chọn lựa.
Giá rau tăng cao khiến nhiều bà nội trợ phải tính toán, cân nhắc kỹ trước khi mua. "Trước đây mua rau, tiểu thương còn khuyến mãi thêm cọng hành, trái ớt. Nay thì không có. Tiểu thương cũng không mặc cả, khách chịu giá thì mua chứ không bớt chút đỉnh như trước." - chị Phương (khách đi chợ) nói.
Các loại bầu bí, mướp tăng giá tới 50.000 đồng/kg. Trong khi ngày thường, mặt hàng này có giá rất rẻ, khoảng 20.000 đồng/kg. Cách đó 2 tháng, bầu bí được các xe đẩy hàng rong xổ hàng chỉ 10.000 đồng/3 trái. Một tiểu thương kinh doanh đồ khô cũng tranh thủ kê thêm quầy bầu bí do mặt hàng này đang có giá, lại lâu hư hỏng.
Theo nhiều tiểu thương lý giải, do 3 chợ đầu mối vẫn đóng cửa, nguồn cung khan hiếm và chi phí xét nghiệm cho tài xế chở hàng khá cao, nhiều loại thực phẩm có hạn sử dụng ngắn. Tất cả những nguyên nhân đó cộng thêm vào giá sản phẩm đẩy giá hàng lên cao.
Mới đây, Hiệp hội chăn nuôi tỉnh Đồng Nai đề xuất mở điểm bán thịt "giải cứu", hỗ trợ người nuôi heo. Nguyên nhân là nông dân chăn nuôi tắc đầu ra từ khi các chợ đầu mối tại TPHCM đóng cửa. Trong khi người tiêu dùng phải mua heo chợ lẻ với giá cao; ngược lại, còn heo tại trại ở Đồng Nai ùn ứ, giá giảm nhưng không có người mua do thương lái đang phải cách ly phòng dịch.
Mặc dù giá nhiều mặt hàng ở chợ dân sinh tăng cao, rau củ không được niêm yết giá rõ ràng nhưng vẫn nhiều người chọn đi chợ vì nhanh chóng, chọn mua được các loại thực phẩm theo nhu cầu.
Trong khi đó, ở siêu thị dù có giá bình ổn hơn nhưng nhiều người ngán cảnh xếp hàng chờ đợi. Trung bình khách phải chờ từ 1-2 giờ đồng hồ mới đến lượt vào mua sắm, do siêu thị hạn chế số người vào cùng một lúc để thực hiện giãn cách.
Người dân xếp hàng dài chờ đợi mua sắm tại siêu thị Co.op Mart Chu Văn An (Q.Bình Thạnh). Ngoài những người được ngồi ghế, còn một dòng người đứng xếp hàng dài ở phía sau. Các siêu thị Co.op Mart Nhiêu Lộc (Q.3), Co.op Mart Lý Thường Kiệt (Q.10) cũng trong tình trạng tương tự. Siêu thị phải nhờ cơ quan chức năng hỗ trợ điều phối cũng như giữ trật tự khi khách xếp hàng.
Trong ngày 13/7, Aeon đã đưa vào hoạt động 4 xe bán hàng lưu động đầu tiên, xuất phát tới điểm bán tại quận 3. Mỗi điểm bán dự kiến hoạt động trong 1 buổi để đảm bảo chất lượng hàng hóa, đặc biệt với các sản phẩm thực phẩm tươi sống. Một số người dân ở khu vực trên đã nhận được thông báo của phường về vị trí điểm bán hàng lưu động từ trước đó nên đã xếp hàng sớm để mua.
Trước đó, trong văn bản hỏa tốc số 4023 về việc tăng cường cung ứng hàng hóa cho TPHCM và các tỉnh phía Nam gửi các doanh nghiệp, hợp tác xã phân phối, Bộ Công thương đề nghị các doanh nghiệp, hợp tác xã mở thêm các điểm bán hàng cố định và lưu động (theo đúng quy định của pháp luật) tại các khu đông dân cư như quận, huyện, phường, xã, thị trấn, thị tứ… để kịp thời phục vụ nhu cầu thiết yếu của nhân dân.
Được biết, nhiều hệ thống siêu thị khác như Co.op Mart, B's Mart cũng đang triển khai bán hàng lưu động với các mặt hàng dầu ăn, nước mắm, mì gói, rau củ... để người dân tiện mua sắm.
Theo Uyên Phương (Tiền Phong)