Chị Nguyễn Lan, tiểu thương bán gà và trứng gà tại chợ Đại Từ (Hoàng Mai, Hà Nội) nhiều năm nay nhưng phải nghỉ 1 tuần nay bởi địa phương hạn chế người đi, đến những nơi đang có dịch.
Chị Lan (quê ở Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) cho biết, huyện tuyên truyền người dân không nên đi đến các quận ở Hà Nội bởi sợ mang dịch bệnh về làng, kể cả hoạt động buôn bán thực phẩm thiết yếu. Ở nhà, không đi bán hàng nên cả nhà không có nguồn thu. Cuộc sống cũng chật vật hơn trước rất nhiều.
Không chỉ thực phẩm mặt hàng hoa quả tại các tỉnh về Hà Nội cũng trong cảnh bị không cho vào nội đô do xe vận tải không có luồng xanh và được xếp vào mặt hàng không thiết yếu.
Chị Bích Hằng (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, đầu mối buôn sầu riêng của chị báo đến cửa ngõ Hà Nôi không được vào nên phải quay về. Chị Hằng đành phải nhắn lại cho từng khách đã đặt mua sầu riêng huỷ giao số hàng hơn 1 tấn đã đặt trước đó. Không có hàng để bán, đồng nghĩa thu nhập không có khiến chị cũng cảm thấy bất an vì dịch kéo dài.
Việc nhiều tiểu thương không nhập hàng về Hà Nội khiến nhiều loại mặt hàng trong những ngày gần đây bị thiếu và tăng giá.
Chị Nguyễn Hà (Long Biên, Hà Nội), cho biết, khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, chỉ cũng ít đi chợ Quán Tình ở gần nhà hơn. "Dù toà nhà tôi ở phát phiếu đi chợ 3 ngày/tuần nhưng vì ở nhà không có khoản thu nên tôi chỉ dám đi chợ 1 lần/tuần. Ra đến chợ, tôi bị sốc vì sau 1 tuần, nhiều loại thực phẩm đã tăng giá", chị Hà kể lại sau khi ra chợ buổi sáng để mua thực phẩm cho gia đình.
Cụ thể, giá thịt lợn bán tại chợ đã tăng từ 150.000 đồng/kg lên 180.000-200.000 đồng/kg; thịt bò có giá 290.000 đồng lên 330.000 đồng/kg; trứng gà ta 50.000 đồng lên 60.000 đồng/chục, gà ta từ 120.000 đồng lên 140.000 đồng/kg chưa thịt… Rau củ quả cũng tăng giá kha cao so với trước khi thực hiện giãn cách. Cụ thể, rau muống tăng từ 5.000 lên 10.000 đồng/mớ, bắp cải từ 10.000 lên 17.000 đồng/kg…
Một số tiểu thương tại chợ Quán Tình (Long Biên, Hà Nội) cho biết từ khi dịch bùng phát, việc tìm nguồn để nhập hàng đã khó khăn và khan hiếm. Vừa rồi chợ đầu mối Long Biên phong tỏa nên nguồn cung càng khó khăn hơn, dẫn đến việc tăng giá các thực phẩm là điều bất khả kháng.
Theo Sở Công thương Hà Nội, trong thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch lây lan, 20 chợ đầu mối và chợ dân sinh, 52 siêu thị, cửa hàng tiện lợi bị đóng cửa dừng hoạt động.
Thành phố đã chỉ đạo các doanh nghiệp tăng lượng dự trữ hàng hóa tối đa về phục vụ nhân dân (nhiều hệ thống đã tăng lên trên 50% so với ngày bình thường), đổi mới các hình thức kinh doanh (tăng cường bán online trên nền tảng thương mại điện tử, bán hàng combo, đi chợ hộ, bán hàng lưu động, đăng ký phục vụ 24/24/7...).
Đồng thời, Sở Công thương nghiên cứu, phối hợp quận, huyện, thị xã rà soát đề xuất 5 vị trí trung chuyển hàng hóa từ các tỉnh, thành phố và các huyện để giảm tải cho chợ đầu mối, sẵn sàng bố trí cho hàng hóa, thực phẩm nông lâm thủy sản từ các tỉnh chuyển về Hà Nội.
Cụ thể là bến xe Yên Nghĩa (quận Hà Đông), sân vận động huyện Thanh Trì, sân vận động huyện Hoài Đức và một số điểm khác của huyện Gia Lâm.
Theo Ngọc Mai (Tiền Phong)
https://tienphong.vn/nhieu-loai-hang-hoa-khong-ve-duoc-ha-noi-thuc-pham-dua-tang-gia-post1364490.tpo