Mới đây, một số doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản có nguy cơ mất hàng trăm nghìn USD với khách hàng Echopack INC, đại diện bởi người có tên Jason Brown (địa chỉ tại 5084 Francois, Cusson Lachine, Quebec, Canada). Hầu hết các lô hàng xuất khẩu đều được sử dụng thanh toán qua Ngân hàng General Equity (đại diện cho Công ty Echopack tại New Zealand), qua hình thức L/C 60 ngày và có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm của CFIA. Mặc dù đã giao hàng nhưng các doanh nghiệp thủy sản ở Đồng bằng sông Cửu Long vẫn chưa nhận được tiền thanh toán như hợp đồng đã ký kết. Đây là vụ lừa đảo có quy mô lớn nhất từ trước đến nay mà các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam gặp phải.
Là đơn vị đang gặp khó trong vụ việc này, Công ty CP thủy sản Sóc Trăng cho biết, vẫn chưa nhận được bất cứ khoản thanh toán nào và có nguy cơ mất gần 200.000 USD. Theo hợp đồng ký kết, giao dịch nói trên theo hình thức tín dụng thư, tức là ngân hàng phía nhà nhập khẩu có trách nhiệm thanh toán cho doanh nghiệp xuất khẩu khi hoàn tất việc giao hàng. Tuy nhiên, tới thời điểm nhận tiền ngân hàng này lại từ chối thanh toán. Lý do, chữ ký của Echopack trên hợp đồng với doanh nghiệp xuất khẩu không khớp với chữ ký tại ngân hàng trên, nhưng không được thông báo ngay từ đầu.
Tới nay, đang có rất nhiều doanh nghiệp thủy sản của Việt Nam không được thanh toán sau khi giao hàng. Hiện, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) đang tích cực phối hợp với cơ quan điều tra để giúp doanh nghiệp giải quyết vụ việc.
Doanh nghiệp thủy sản có nguy cơ mất hàng trăm nghìn USD. |
Để phòng ngừa giảm thiểu các rủi ro trong thương mại quốc tế, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) khuyến nghị các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu lưu ý một số nội dung khi giao dịch với khách hàng. Thứ nhất, nên ưu tiên hàng đầu việc tìm hiểu thị trường, kiểm tra đánh giá, xếp hạng rủi ro tín dụng, kinh doanh của các đối tác nước ngoài, đặc biệt các đối tác với giao dịch, đối tác tìm được qua kênh trung gian. Việc thực hiện thẩm tra có thể qua các nguồn tin công khai, mua dịch vụ từ các công ty chuyên cung cấp dịch vụ thẩm tra (như các tổ chức cung cấp thông tin uy tín, hay như Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam CIC - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam), qua kênh của Hiệp hội tại các nước nhập khẩu, cơ quan đại diện ngoại giao, Thương vụ và Chi nhánh Thương vụ tại nước nhập khẩu...
Thứ 2, vì hợp đồng mua bán luôn là cơ sở để giải quyết các tranh chấp giữa các bên, doanh nghiệp cần quy định chặt chẽ các điều khoản bảo vệ quyền lợi của mình (đặc biệt là điều khoản về cơ quan giải quyết tranh chấp, khiếu nại), tránh các trường hợp bất lợi cho doanh nghiệp khi phát sinh tranh chấp.
Thứ 3, đối với khâu thanh toán, doanh nghiệp lưu ý tìm hiểu nguyên tắc, thông lệ quốc tế để nắm rõ vai trò, trách nhiệm của các bên liên quan, qua đó xem xét lựa chọn các phương thức và điều kiện thanh toán hợp lý, đảm bảo lợi ích cho doanh nghiệp.
Thứ 4, trong quá trình thực hiện giao dịch, doanh nghiệp có thể cân nhắc việc sử dụng các dịch vụ của ngân hàng (như xác nhận thư tín dụng, chiết khấu miễn truy đòi, bao thanh toán xuất khẩu…) để có thêm sự đảm bảo cho khả năng đòi tiền từ phía ngân hàng cung cấp dịch vụ, cũng như hỗ trợ doanh nghiệp tìm hiểu đánh giá các thông tin về đối tác nhập khẩu, đơn vị phát hành thư tín dụng.
Theo Hồng Châu (VnExpress.net)