Nhiều chuyến tàu giảm tần suất chạy vì thua lỗ

13/05/2016 16:25:00

Do số ghế bán dưới 40% nên các đoàn tàu Hà Nội đi Lào Cai, Quán Triều, Lạng Sơn, Vinh - Đồng Hới, Đồng Hới - Huế đều phải giảm tần suất chạy. 

Theo bà Phùng Thị Lý Hà, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội, do nhiều chuyến tàu đạt hiệu quả sử dụng thấp, hệ số ghế chỉ đạt 20-30% nên các chuyến tàu này càng chạy càng lỗ. Mỗi chuyến tàu, đơn vị vận tải đường sắt chịu lỗ hàng chục triệu đồng, thậm chí có chuyến chạy gần đạt công suất số ghế vào cuối tuần thì tính chung vẫn lỗ. 

Đơn cử, tàu Hà Nội - Quán Triều có hệ số sử dụng chỗ dưới 37%, song chi phí mỗi đôi tàu là 25 triệu đồng; tuyến Hà Nội - Đồng Đăng chỉ đạt khoảng 17% song chi phí bỏ ra trên 43 triệu đồng; tuyến Vinh - Đồng Hới chi phí trên 72 triệu mỗi đôi tàu trong khi công suất chỉ đạt 35%; tuyến Hà Nội - Hải Phòng chi phí trên 40 triệu đồng.

nhieu-chuyen-tau-giam-tan-suat-chay-vi-thua-lo

Nhiều đoàn tàu phải giảm tần suất hoạt động do vắng khách. Ảnh: Bá Đô

Các chuyến tàu địa phương đã hoạt động từ nhiều năm, song hiện nay chỉ phục vụ số ít hành khách do vận tải đường bộ phát triển. Cách đây khoảng ba năm, ngành đường sắt đã từng kiến nghị bãi bỏ 5 đôi tàu do hoạt động không hiệu quả, thua lỗ gần 100 tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, nhiều địa phương đã đồng loạt kiến nghị giữ tàu vì mang tính an sinh xã hội, nên ngành đường sắt vẫn giữ lại, có trợ giá để đảm bảo vận hành. 

Đến nay, khi các công ty vận tải đường sắt đã tiến hành cổ phần hóa nên việc lỗ lãi được doanh nghiệp tính đến. Vì thế, doanh nghiệp buộc phải cắt giảm những mác tàu không hiệu quả, thua lỗ, ảnh hưởng đến doanh thu, lợi nhuận chung.

Theo một lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, doanh nghiệp đường sắt rất khó khăn vì không được trợ giá vận tải cho các chuyến tàu phục vụ dân sinh tại các địa phương. Nếu xóa bỏ hoàn toàn các tuyến này thì ảnh hưởng tới một bộ phận người dân và hạ tầng đường sắt sẽ hư hỏng. Do đó, dù thua lỗ vẫn phải vận hành tàu địa phương, lợi nhuận từ các đoàn tàu Bắc - Nam sẽ dùng để bù lỗ. 

Để bảo trì hệ thống đường sắt cả nước, mỗi năm Nhà nước hiện chi phí khoảng 1.200 tỷ đồng để duy tu bảo dưỡng (mới đáp ứng được một phần hai yêu cầu bảo trì), trong khi thu lại được khoảng 384 tỷ đồng từ phí sử dụng hạ tầng từ ngành đường sắt. 

Năm 2015, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đạt doanh thu trên 10.621 tỷ đồng, trong đó doanh thu vận tải đạt trên 4.690 tỷ; lợi nhuận 199 tỷ; nộp ngân sách Nhà nước 1.274 tỷ đồng. 
Theo Đ.Loan (VnExpress.net)

 

Nổi bật