Đồng loạt tăng mạnh
Trong phiên giao dịch sáng 25/8, cổ phiếu ACL của CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản Cửu Long An Giang tăng trần gần 7% lên 14.200 đồng/cp.
Cổ phiếu IDI của CTCP Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia I.D.I cũng tăng hết biên độ cho phép lên 13.400 đồng/cp.
Tới 10h sáng, cổ phiếu Thủy sản Vĩnh Hoàn của nữ hoàng thủy sản miền Tây Trương Thị Lệ Khanh tăng mạnh 2.800 đồng lên 75.300 đồng/cp.
Thủy sản Nam Việt (ANV) cũng tăng gần 6% lên 34.250 đồng/cp.
Tới cuối phiên giao dịch, nhóm cổ phiếu thủy sản vẫn giữ được mức tăng mạnh, với các mã tăng trần như: ACL, AGF, IDI, CAD, JOS.
Thị trường chứng khoán chung vẫn chịu áp lực bán ra. Chỉ số VN-Index chốt phiên 25/8 giảm 6,02 điểm xuống 1.183,37 điểm.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng, bất động sản giảm giá. Quyết định tạm ngừng thi hành một số quy định cấm cho vay với bất động sản theo thông tư mới của NHNN thay cho Thông tư 06 chưa thực sự làm giới đầu tư yên tâm.
Nhóm cổ phiếu thủy sản tăng mạnh trong bối cảnh giới đầu tư đón nhận thông tin Trung Quốc sẽ đình chỉ nhập khẩu tất cả các sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ Nhật Bản bắt đầu từ 24/8 để ngăn ngừa rủi ro từ việc xả nước thải phóng xạ đã qua xử lý ra biển.
Theo Xinhua News, động thái của Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GAC) được đưa ra như một trong các biện pháp khẩn cấp để ngăn chặn toàn diện rủi ro ô nhiễm phóng xạ do Nhật Bản xả nước thải phóng xạ. Quyết định nhằm bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng Trung Quốc và đảm bảo an toàn cho thực phẩm nhập khẩu.
Quyết định được đưa ra, theo GAC, là tuân theo luật an toàn thực phẩm của Trung Quốc, các nghị định liên quan đến an toàn xuất nhập khẩu thực phẩm, và thỏa thuận của Tổ chức Y tế Thế giới…
Trước đó, Nhật thông báo bắt đầu xả ra biển hơn 1 triệu tấn nước phóng xạ đã qua xử lý của nhà máy điện hạt nhân Fukushima từ ngày 24/8.
Cổ phiếu thủy sản có triển vọng tích cực cuối năm
Nhóm cổ phiếu thủy sản diễn biến khá tiêu cực kể từ cuối năm 2022 cho tới nay. Nhiều mã giảm 40-60% so với đỉnh thiết lập vào quý II/2022 do sức cầu tiêu thụ thấp ở cả Mỹ, châu Âu và Trung Quốc.
Tuy nhiên, gần đây nhóm cổ phiếu này có tín hiệu hồi phục với kỳ vọng nhập khẩu từ thị trường Mỹ sẽ phục hồi từ nửa cuối 2023.
Theo Chứng khoán VnDirect, dự báo nhập khẩu thủy sản của thị trường Mỹ sẽ hồi phục vào cuối năm 2023 sau khi suy giảm mạnh từ cuối năm 2022 do lạm phát tăng cao và thu nhập người tiêu dùng Mỹ giảm. Lạm phát ở Mỹ hạ nhiệt, nền kinh tế số 1 thế giới vẫn khá mạnh mẽ. Đây là yếu tố giúp tiêu dùng ở cường quốc này tăng trở lại.
Bên cạnh đó, cuối năm cũng là mùa cao điểm tiêu thụ đối với mặt hàng thủy sản.
Với thị trường châu Âu (EU), nhu cầu đối với cá tra của Việt Nam được dự báo hồi phục vào cuối năm do nguồn cung thủy sản vẫn bị ảnh hưởng bởi căng thẳng giữa Nga và Ukraine.
Còn dự báo xuất khẩu thủy sản từ Việt Nam sang Trung Quốc vẫn còn khó khăn do kinh tế nước này đang suy giảm tăng trưởng rất mạnh. Tuy nhiên, việc Trung Quốc đình chỉ nhập khẩu tất cả các sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ Nhật Bản là thông tin có lợi đối với xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Hiện, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ 3 của Việt Nam, đứng sau Mỹ và Nhật Bản.
Với các doanh nghiệp thủy sản niêm yết, do triển vọng không sáng sủa, hầu hết các đơn vị đặt kế hoạch kinh doanh thận trọng trong năm 2023. Đây là lý do khiến giá cổ phiếu nhóm này giảm trong thời gian qua.
Triển vọng ảm đạm với lợi nhuận dự báo tăng trưởng âm trong năm 2023 đã được phản ánh vào giá cổ phiếu. Do vậy, những tín hiệu tích cực mới được xem là yếu tố đẩy giá cổ phiếu nhóm ngành này tăng trở lại.
Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Trung Quốc hiện là thị trường nhập khẩu nhiều sản phẩm thủy sản Việt Nam, trong đó có cá tra và tôm.
Thủy sản Vĩnh Hoàn (VHC) là một doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc.
Việc Trung Quốc mở cửa biên giới hồi đầu năm và giờ đây là quyết định đình chỉ nhập khẩu thủy sản từ Nhật là các yếu tố thuận lợi cho doanh nghiệp thủy sản Việt. Đây được xem là thị trường giúp bù đắp sụt giảm từ các nước G7 như Mỹ, EU, Anh, Ý, Nhật…
Hiện trên sàn chứng khoán có nhiều doanh nghiệp thủy sản như: AAM, ABT, ACL, DAT, ANV, CMX, FMC, IDI, VHC, BLF, KHS, SJ1, CAD, VNH, SEA, AGF, ICF, MPC, CAT, SPH, THP, TS4…
Theo Mạnh Hà (VietNamNet)