Sáng 9/5, khi nghe thông tin hệ thống cửa hàng của Nhật Cường Mobile bị cảnh sát khám xét, chị Hà Phương (Hà Nội) liên tục gọi đến số hotline để mong có thông tin. Thế nhưng, các số điện thoại đường dây nóng, tổng đài chăm sóc khách, bán hàng, bảo hành, bảo dưỡng đều ngắt kết nối.
Bất ngờ, hoang mang
"Tôi thực sự rất hoang mang", chị Phương chia sẻ. Chị cho biết gia đình đã mua khá nhiều thiết bị điện tử tại hệ thống này. "Dù giá ở Nhật Cường có cao hơn một vài cửa hàng khác nhưng tôi thấy dịch vụ chăm sóc khách hàng ở đây khá tốt, nên lựa chọn", chị nói.
"Đến giờ còn chưa rõ nguyên nhân Nhật Cường bị khám xét nhưng tôi cũng tự hỏi không biết chất lượng đồ điện tử ở Nhật Cường có đảm bảo hay không? Cũng chưa biết bao giờ Nhật Cường mới trở lại hoạt động bình thường", chị Phương nói.
Chị cũng băn khoăn nếu trường hợp máy móc phát sinh hỏng hóc, việc bảo dưỡng, bảo hành sản phẩm sẽ ra sao.
"Tôi còn mua một vài gói hậu mãi ở đây nữa, nếu công ty có vấn đề gì thì khách hàng có được hoàn tiền những dịch vụ chưa sử dụng không?", chị nêu câu hỏi.
Chị Thu Phương (25 tuổi, Cầu Giấy) cũng bất ngờ khi thấy chi nhánh này của Nhật Cường Mobile đóng cửa.
Chị chia sẻ hôm qua chị có đặt mua một chiếc máy Samsung. "Ban đầu họ hẹn tôi ở một địa chỉ khác, sau đó gọi báo chuyển qua số 3 Xuân Thuỷ để nhận máy. Họ hứa giữ máy cho tôi trong vòng 12 giờ, trường hợp không cọc. Nếu chuyển khoản trước, họ sẽ miễn phí ship nhưng không phải giao máy trong ngày", chị nói.
Ngoài ra, chị Thuỷ cho rằng hiện tại chi nhánh này đóng cửa, có thể chị sẽ mua máy ở cửa hàng khác vì đang cần gấp.
Đóng cửa hàng loạt
Theo ghi nhận của Zing.vn, các cửa hàng của Nhật Cường tại Chùa Bộc, Xuân Thủy, Láng Hạ, Bạch Mai, Trần Duy Hưng... cũng đồng loạt đóng cửa. Người dân cho biết các cửa hàng này vẫn hoạt động bình thường đến tối 8/5.
Một nhân viên quán trà sữa bên cạnh cho biết ngay từ 9h sáng đã thấy cửa hàng tại số 3 Xuân Thuỷ đóng cửa, có sự xuất hiện của lực lượng công an. Người dân đến mua bán, sửa chữa điện thoại được nhân viên thông báo hệ thống sẽ đóng cửa tạm thời nhưng không biết bao giờ mở cửa trở lại.
Tại chi nhánh số 10 Nguyễn Xiển, một người dân gần đó cho biết buổi sáng, cửa hàng vẫn hoạt động bình thường. Gần 11h, xe của lực lượng công an xuất hiện. Họ vào kiểm tra gì, và rời đi lúc hơn 11h. Cửa hàng cũng đóng cửa ngay sau đó.
Anh Trịnh Hùng (43 tuổi, Hà Đông) đem máy qua chi nhánh tại Hà Đông để bảo hành thì cũng gặp cảnh cửa đóng then cài. Anh quyết định qua địa chỉ số 10 Nguyễn Xiển nhưng cũng trong tình trạng tương tự. "Tôi ở thế khó rồi, vừa mua máy ở Nhật Cường ít ngày", anh cho hay.
Các khách đến cửa hàng hầu hết để sửa máy hoặc bảo hành, và không hề biết tin tất cả chi nhánh Nhật Cường Mobile hiện đóng cửa.
Khởi thủy từ một cửa hàng sửa điện thoại di động năm 2001, Nhật Cường Mobile phát triển thành một chuỗi cửa hàng bán điện thoại trên toàn quốc rồi lấn sân sang công nghệ thông tin. Năm 2017, doanh nghiệp nằm trong danh sách 50 công ty về công nghệ thông tin lớn nhất Việt Nam.
Hiện hệ thống này có 9 cửa hàng mua bán, bảo hành, sửa chữa điện thoại di động trải khắp Hà Nội. Giấy phép kinh doanh của doanh nghiệp do Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cấp ngày 20/6/2001.
Khi mới thành lập, doanh nghiệp đăng ký số vốn điều lệ là 5 tỷ đồng. Dữ liệu mới nhất cho thấy hiện tại Nhật Cường đang có vốn điều lệ là 38 tỷ đồng.
Tổng giám đốc Nhật Cường hiện là ông Bùi Quang Huy (sinh năm 1974), cũng là chủ sở hữu khi nắm tới 90% vốn doanh nghiệp này.
Ông Huy cũng là người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH Giải pháp phần mềm Nhật Cường từ ngày 2/4/2018, đơn vị cung cấp các dịch vụ công trực tuyến cho hầu hết sở ngành Hà Nội.
Theo Văn Hưng (Tri Thức Trực Tuyến)