Đồng yen chỉ giảm nhẹ 0,2% so với USD sau tin tức này. BOJ cũng nâng dự báo về kinh tế trong nước, khẳng định Nhật Bản vẫn đang trên đà phục hồi.
Gần đây, nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới liên tiếp đón nhận số liệu lạc quan. Đồng yen đã giảm giá 15% so với USD trong 3 tháng qua, khiến xuất khẩu tháng 11 lên đỉnh 2 năm. Dù lạm phát vẫn cách xa mục tiêu 2%, con số này đang dần cải thiện. Các khoản chi tiêu công lớn có thể kích thích tăng trưởng kinh tế từ đầu năm tới và kéo lạm phát lên cao.
Thống đốc BOJ - ông Haruhiko Kuroda. Ảnh: Reuters |
Rủi ro với Nhật Bản hiện tại là tình hình kinh tế Mỹ và các tác động từ chính sách tiền tệ của Mỹ, BOJ cho biết. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tuần trước đã nâng lãi suất lần thứ 2 trong một thập kỷ và có thể tăng lãi thêm 2-3 lần nữa năm tới.
"Để đạt mục tiêu lạm phát 2%, BOJ sẽ duy trì lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm quanh 0% càng lâu càng tốt. Tuy nhiên, nếu lãi suất trái phiếu tương ứng của Mỹ tăng lên, BOJ sẽ khó giữ mục tiêu này năm tới", Daiju Aoki - kinh tế trưởng tại UBS Wealth Management cho biết.
Thời gian tới, chính sách của BOJ có thể còn thay đổi từ nới lỏng sang thắt chặt, do đồng yen yếu và kích thích tài khóa có thể kéo lạm phát lên. Việc BOJ nắm tỷ lệ lớn trên thị trường trái phiếu cũng hạn chế khả năng can thiệp của cơ quan này, và cuối cùng cũng sẽ khiến lãi suất trái phiếu lên cao.
"Khi đã nắm tới 37,9% số trái phiếu hiện hành trong quý III, cơ hội cho BOJ mua thêm không còn nhiều. Sau này, có thể họ sẽ phải để lãi suất tăng lên. Tăng lãi quá sớm có thể khiến đồng yen mạnh lên, gây khó khăn cho việc đạt mục tiêu lạm phát", Kowhai Iwahara - nhà kinh tế học tại Natixis Japan Securities nhận xét.
Dù vậy, không phải ai cũng có chung quan điểm này. "Khi lạm phát dự báo vẫn còn yếu, BOJ chẳng có tín hiệu nào là sẽ thắt chặt cả. Cho đến khi Nhật Bản bước vào giai đoạn tăng trưởng lương và giá tiêu dùng bền vững, BOJ sẽ vẫn giữ chính sách nới lỏng như hiện tại", Bill Adams - nhà kinh tế học cấp cao tại PNC Financial Services nhận định.
Theo Hà Thu (VnExpress.net)