Theo số liệu vừa được Bộ Công Thương công bố, kim ngạch xuất khẩu 8 tháng đầu năm 2017 ước đạt 133,5 tỉ USD, tăng 17,9% so với cùng kỳ, trong khi kim ngạch nhập khẩu ước đạt 135,6 tỉ USD, tăng 22,3% cùng kỳ và được xem là tiếp tục duy trì mức tăng trưởng ấn tượng.
Xuất khẩu rau quả tăng ngoạn mục trong 8 tháng đầu năm nay. Ảnh: Hải Nguyễn |
Tuy nhiên, nhập khẩu tập trung chủ yếu ở các nhóm hàng cần nhập khẩu như máy móc thiết bị, nguyên liệu phục vụ cho sản xuất và giải ngân các dự án đầu tư. Song do giá trị nhập khẩu nhiều mặt hàng tăng so với cùng kỳ, kéo theo kim ngạch nhập khẩu tăng cao như giá xăng dầu tăng 26,7%, giá than đá tăng 51%, giá sắt thép tăng 38,6%,...
Trong tổng kim ngạch XK, khối doanh nghiệp trong nước xuất khẩu 37,8 tỉ USD, khối DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 95,7 tỉ USD (tính cả dầu thô xuất khẩu). Tương tự, với kim ngạch nhập khẩu 8 tháng đầu năm thì khối DN trong nước đạt 54,2 tỉ USD và khối DN FDI đạt 81,4 tỉ USD. Nhập siêu 8 tháng đầu năm khoảng 2,13 tỉ USD, bằng 1,6% kim ngạch xuất khẩu.
Đáng chú ý trong 8 tháng, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông sản, thủy sản XK ước đạt 16,9 tỉ USD, chiếm 12,7% tổng KNXK, tăng 18,7% so với cùng kỳ. Mặt hàng rau quả có kim ngạch tăng trưởng mạnh nhất trong nhóm nông, thủy sản, lên tới 2,35 tỉ USD, tăng tới 48% so với cùng kỳ.
Bộ Công Thương nhận định sở dĩ kim ngạch XK nhóm hàng này tăng khá cao là do công tác phát triển, mở cửa thị trường trong thời gian qua đã góp phần đáng kể vào tăng trưởng xuất khẩu.
Đến nay, hoa quả Việt Nam đã thâm nhập được vào nhiều thị trường có yêu cầu chất lượng cao như Hoa Kỳ (đã cho phép nhập khẩu thanh long ruột trắng, ruột đỏ, chôm chôm, nhãn, vải); Nhật Bản (thanh long ruột trắng, ruột đỏ, xoài), Hàn Quốc (thanh long ruột trắng, ruột đỏ, xoài), New Zealand (xoài, thanh long ruột trắng và đỏ), Úc (vải, xoài),…
Với mặt hàng gạo, XK trong 8 tháng ước đạt 4 triệu tấn, tăng 22,7% so với cùng kỳ 2016, trị giá đạt 1,78 tỉ USD, tăng 20,3%. Xuất khẩu gạo tăng so với cùng kỳ năm 2016 cả về số lượng và trị giá nhờ sự tăng trưởng xuất khẩu tại các thị trường Trung Quốc, Malaysia, Philippines, Bangladesh, theo cả hợp đồng tập trung và hợp đồng thương mại và cả sự tăng trưởng ở các khu vực thị trường mới, còn nhiều tiềm năng.
Tại thị trường Malaysia, đã ký được các hợp đồng tập trung với tổng khối lượng 150 nghìn tấn; tại thị trường Bangladesh ký được các hợp đồng tập trung với tổng khối lượng là 250 nghìn tấn; tại thị trường Philippines, 4 thương nhân Việt Nam đã trúng thầu cung cấp 175 nghìn tấn gạo.
Giá gạo xuất khẩu tăng trong tháng 6, và duy trì ở mức cao trong các tháng tiếp theo đã góp phần tiêu thụ lúa gạo hàng hóa với mức giá cao, có lợi cho người nông dân sản xuất lúa. Thời điểm ngày 01/6/2017, giá gạo 5% tấm là 370-380 USD/tấn và gạo 25% tấm là 340-350 USD/tấn.
Có thời điểm trong tháng 7, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đã đạt mức 405-415 USD/tấn và gạo 25% là 380-390 USD/tấn. Hiện nay (25/8), giá gạo 5% tấm xuất khẩu là 380-390 USD/tấn và và gạo 25% tấm là 360-370 USD/tấn (vẫn cao hơn thời điểm đầu tháng 6 từ 10-20 USD/tấn).
Cơ cấu gạo xuất khẩu tiếp tục có sự chuyển dịch tích cực. Xuất khẩu giảm mạnh ở phân khúc gạo cấp trung bình và cấp thấp; tăng mạnh ở dòng gạo cao cấp, các loại gạo chất lượng cao, giá trị cao (gạo nếp, japonica, gạo lứt), phù hợp với định hướng phát triển thị trường xuất khẩu.
Tương tự, XK nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản trong 8 tháng đầu năm ước đạt 2,85 tỉ USD, tăng 29,4% so với cùng kỳ. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của cả 4 mặt hàng than đá, dầu thô, xăng dầu, quặng và khoáng sản khác đều đạt mức tăng trưởng dương. Nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 107,1 tỉ USD, tăng 18% so với cùng kỳ, chiếm tỉ trọng 80,2% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Theo H.Q (Lao Động)