Xe tải Trung Quốc bày bán tại cửa hàng trên xa lộ Hà Nội, Q.9, TP.HCM - Ảnh: Thuận Thắng |
So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu ôtô nguyên chiếc 4 tháng đầu năm tăng 131% về lượng và hơn 180% về trị giá.
Trong đó, lượng xe từ 9 chỗ ngồi trở xuống chiếm là chủ yếu với 13.200 chiếc; ôtô tải là gần 13.000 chiếc; ôtô các loại khác là 8.890 chiếc. Các loại xe đều tăng mạnh từ 90% trở lên so với cùng kỳ năm ngoái.
Còn về thị trường nhập khẩu, lượng ôtô nguyên chiếc nhập khẩu có xuất xứ từ Trung Quốc tăng mạnh nhất là 289% với 8.860 chiếc.
Tiếp theo là các thị trường như Hàn Quốc 7,74 nghìn chiếc, tăng 48%; Thái Lan 6,85 nghìn chiếc, tăng mạnh 165%, Ấn Độ 5.700 chiếc, tăng mạnh 164%; Nhật Bản 2.290 chiếc, tăng 120%.
Như vậy, lượng xe nhập từ Trung Quốc đã “qua mặt” lượng xe nhập từ Hàn Quốc - thị trường luôn đứng đầu bảng số xe nguyên chiếc nhập về Việt Nam liên tục trong nhiều năm nay.
Theo Bộ Công thương, ôtô nguyên chiếc nhập khẩu được xếp vào danh mục nhóm mặt hàng đẩy con số nhập siêu tăng cao từ đầu năm đến nay. Do đó, việc kiềm chế nhập siêu phải có sự phối hợp đồng bộ từ các bộ ngành để đảm bảo nhập siêu trong năm nay không quá cao.
Tuy nhiên, tại cuộc họp của Tổ điều hành kinh tế vĩ mô của chính phủ diễn ra tháng trước, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh cho rằng nên xem xét nhập siêu là nhóm hàng gì, nếu là mặt hàng phục vụ đầu tư sản xuất kinh doanh thì không có gì đáng lo ngại. Nếu ô tô nhập về là xe tải thì điều này cho thấy tín hiệu tốt của nền kinh tế vì xe tải là để chở hàng hóa, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất.
Theo Lê Thanh (Tuổi Trẻ)