Nhân viên y tế bỏ việc 4 triệu/tháng để chạy Grab 400 ngàn/ngày

05/07/2022 14:50:00

“Năm 2018, tôi nghỉ việc ở bệnh viện để chạy xe ôm. Đỉnh dịch Covid-19, tôi về lại trạm y tế chống dịch, tổng thu nhập mỗi tháng là 4.135.000 đồng. Cố gắng được gần 1 năm, tôi lại nghỉ, về chạy Grab”.

Anh N.T.X, 38 tuổi, sống tại TP.HCM, làm điều dưỡng 4 năm ở một bệnh viện đa khoa. Tổng thu nhập hơn 5.000.000 đồng/ tháng. “Không sống nổi nên tôi bỏ nghề vào năm 2018”, anh cười.

Dịch Covid-19 ập đến. Anh N.T.X làm việc tại Trạm y tế phường Cầu Kho, quận 1, TP.HCM từ tháng 8/2021. Lúc bấy giờ, người chết vì Covid-19 lên đến cả trăm ca mỗi ngày, nguy hiểm vô cùng. 

Đang chạy xe ôm công nghệ, anh quyết định tham gia chống dịch vì 2 lý do: thu nhập cho gia đình và chung tay cùng thành phố.

Nhân viên y tế bỏ việc 4 triệu/tháng để chạy Grab 400 ngàn/ngày
Nhân viên y tế trong đại dịch Covid-19 tại TP.HCM. Ảnh: Phan Giang.

“Chống dịch ai cũng cực khổ, tôi không so đo tính toán gì nhưng công việc triền miên đến tận tháng 4 vừa qua. TP.HCM vừa hết Covid-19, chưa được nghỉ ngơi, sốt xuất huyết lại xuất hiện”. 

Anh X. cho hay, dịch Covid-19 đã kiểm soát nhưng trạm y tế vẫn duy trì trực đêm luân phiên. Ngày trực, anh phải làm việc và ở trạm từ 7h hôm nay đến 16h hôm sau. 

“Hơn 30 tiếng liên tục. Họ gọi là trực giữ trạm. Sáng ngày mai vẫn phải làm hồ sơ giấy tờ, tiêm chủng, báo cáo, tất cả vẫn phải làm bình thường”. 

Trong khi đó, công việc của y tế cơ sở chồng chất vì sốt xuất huyết đang cao điểm. Nhân viên trạm sẽ đến từng nhà dân, các công trình xây dựng, kiểm tra ngõ ngách, lu vại, hầm chứa… xem có lăng quăng hay không. 

“Nghe chống dịch sốt xuất huyết ai cũng tưởng dễ! Nếu có công an đi cùng, người dân còn hợp tác. Nếu chúng tôi đi đơn lẻ, không ai sợ, người ta sẵn sàng cự cãi”. 

Việc tối mắt tối mũi nhưng thu nhập chẳng thấy đâu. Con số 4.135.000 đồng/tháng khó lòng nuôi sống anh giữa đất Sài Gòn, chưa kể còn vợ và con nhỏ 8 tuổi trong cảnh vật giá tăng chóng mặt.

Nhân viên y tế bỏ việc 4 triệu/tháng để chạy Grab 400 ngàn/ngày - 1
Nhân viên y tế kiểm tra lăng quăng khi giám sát dịch sốt xuất huyết. Ảnh: HCDC

Anh N.T.X khẳng định, ở hầu hết các trạm y tế, chỉ nhân viên lâu năm mới "trụ" được. Lý do vì người lớn tuổi ngại nhảy việc, thu nhập cũng tốt hơn nhờ phụ cấp thâm niên.

“Tôi học 12 năm phổ thông, 2 năm trung cấp của Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, đổi lại mức lương đó. Thực ra, tôi cũng muốn đi học thêm nâng cao nhưng chế độ như vậy không thể đi được.

Bây giờ, tôi chạy Grab, thuận lợi sẽ được 400.000-500.000 đồng/ngày. Dù vất vả nhưng thu nhập tương xứng với sức bỏ ra, biết đâu tôi để dành đủ tiền để đi học tiếp. 

Tôi vẫn nhớ nghề y, nhưng chắc chắn sẽ không quay lại trạm y tế!”, anh X. nói. 

Tại TP HCM, năm 2021 có hơn 1.000 nhân viên y tế nghỉ việc. Riêng quý 1/2022 đã có gần 400 người nghỉ việc, được cho là do tác động của dịch Covid-19.

Tại Hà Nội, báo cáo mới đây cho thấy có gần 900 nhân viên y tế xin nghỉ. Tong năm 2021, có 532 người xin nghỉ việc, 82 người xin chuyển công tác. Trong 4 tháng đầu năm 2022, con số tương ứng là 226 và 17.

Tại Đồng Nai, trong 6 tháng đầu năm 2022, có 230 bác sĩ, điều dưỡng và kỹ thuật viên y tế công lập nghỉ việc. Con số này cao hơn nhiều so với các năm trước.

Tại Gia Lai, trong năm 2021, toàn ngành y tế có 110 nhân viên nghỉ việc. Trong 6 tháng đầu năm 2022, có 23 trường hợp nghỉ việc, bao gồm 6 bác sĩ.

Ngày 29/6, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ và Sở Y tế các tỉnh, thành báo cáo tình hình viên chức y tế xin thôi việc hoặc bỏ việc và nguyên nhân. Ngoài ra cần có những kiến nghị, đề xuất với chính quyền địa phương, Bộ Y tế và Chính phủ. 

Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Cần cải thiện lương và môi trường

“Phải trả công xứng đáng cho sức lao động, tiền trực đêm của nhân viên y tế. Đừng nghĩ rằng nghề đặc thù phải chấp nhận trực đêm mà trả lương bèo bọt. 

Tiếp theo là môi trường làm việc, phải tạo điều kiện cho bác sĩ trẻ được học tập, phát triển chuyên môn”, ông nói.

Trước cảnh đồng nghiệp ở khắp tỉnh thành rời bỏ cơ sở y tế công, bác sĩ Trương Hữu Khanh cho rằng, đây là thiệt thòi của người bệnh nghèo.

Theo ông, bệnh viện tư nhân hiện nay rất phát triển: về chuyên môn, dịch vụ, chất lượng chăm sóc, nhưng dù sao cũng dành cho người có thu nhập tốt. Bệnh nhân nghèo chỉ có thể đến bệnh viện công.

Do đó, cơ quan quản lý phải có giải pháp để giữ những “tinh túy” trong bệnh viện công lập. “Nếu họ đi hết, ai sẽ chăm lo cho bệnh nhân nghèo?”, ông nói.

Theo Linh Giao (VietNamNet)