Sau khi đồng nhân dân tệ tăng giá (CNY), nhiều mối lo ngại tác động tới hoạt động kinh doanh của những người làm ăn, trong đó có cả ảnh hưởng xấu và tốt.
Anh Đặng Đạt (sống tại quận Cầu Giấy), một người chuyên nhập quần áo từ Quảng Châu (Trung Quốc) về Việt Nam bán cho biết, việc đồng nhân dân tệ (NDT) tăng tỷ giá sẽ gây ảnh hưởng rất nhiều đến việc buôn bán của anh.
Anh Đạt cho biết: "Tỷ giá tăng cho thấy giá trị sản phẩm tại TQ không thay đổi nhưng giá đồng NDT tại thị trường tiền tệ lại tăng khi quy đổi sang các loại tiền khác".
Anh Đạt lấy ví dụ: 1 cái áo bán ở TQ trước đây (thời điểm tệ ở mức 3,375 VNĐ/tệ) là 30 tệ quy ra tiền Việt là 102.000 đồng. Còn tại thời điểm cao vẫn chiếc áo đó 30 tệ nhưng nếu tiền TQ tăng lên 4.420 đồng/ tệ thì giá cái áo quy ra tiền Việt là 133.000 đồng.
Đó là tôi tính ví dụ cho một sản phẩm, nếu mua với số lượng lớn thì số tiền sẽ đội lên rất nhiều lần.
Còn chưa kể rủi ro khi nhập về tại thời điểm tỷ giá tiền tệ cao, lúc đó bắt buộc chúng tôi phải bán ra giá cao nhưng 1 tuần sau, đồng tệ giảm, thương buôn khác nhập về với giá rẻ hơn, họ sẽ bán ra giá rẻ hơn so với chúng tôi, từ đó họ dễ dàng thu hút được nhiều khách hàng. Điều đó đồng nghĩa với việc chúng tôi phải cạnh tranh rất gay gắt.
“Để giảm tình trạng thua lỗ, bắt buộc tôi phải giảm giá mặt hàng cạnh tranh với thị trường. Khi chấp nhận giảm giá bán, khả năng lỗ chi phí vận hành sẽ rất cao. Việc này có thể xảy ra lạm thu, bòn vào vốn và dễ bị thâm hụt vốn xoay vòng, rủi ro nhất có khả năng sẽ không đủ chi phí để duy trì và vận hành, nguy cơ phá sản cũng không tránh khỏi" - anh Đạt cho hay.
Cũng như anh Đạt, chị Liên (ở quận Tây Hồ) - người chuyên nhập giày, dép Quảng Châu về Việt Nam bán - nói rằng, trước việc NDT biến động thất thường, để việc làm ăn không bị ảnh hưởng, "một là phải lấy hàng kém chất lượng để tính đến giai đoạn bình ổn giá. Hai là khi đồng NDT giảm, chúng tôi sẽ gom mua các mặt hàng mới, chờ khi tỷ giá tăng cũng không sợ lỗ mà còn lãi cao. Tôi thường làm cách này để bù lại thời điểm khan hàng, tỷ giá neo cao trước đó, đảm bảo lãi ròng ổn định”.
Còn đối với những doanh nghiệp lớn, trao đổi với Lao Động, chị Hải Yến (ở Q.Đống Đa, Hà Nội), chuyên xuất khẩu lụa sang TQ cho biết, khi tỷ giá NDT cao, chúng tôi xuất hàng sang TQ sẽ có lợi hơn.
Chị Yến cho ví vụ, nguyên liệu như lụa giá bán buôn ở Việt Nam khoảng 2 triệu đồng/cuộn (đổi ra tệ khi thấp tương đương khoảng 600 tệ). Khi xuất ra TQ trước kia giá cũ vẫn là 600 tệ, tuy nhiên với mức giá tệ tăng cao, khi nhân giá trị đồng tệ với giá của sản phẩm, quy đổi ra tiền VND thì những người như chúng tôi sẽ lãi khoảng vài trăm nghìn đồng/cuộn lụa xuất sang TQ.
Chị giải thích thêm, giá trị hàng hoá tại TQ không đổi khi tỷ giá tăng nhưng giá trị hàng hoá từ nước khác xuất sang TQ và quy đổi ra thì sẽ có thay đổi về hiệu suất, 1 cuộn vải nếu đã được định giá 600 tệ thì nó sẽ vẫn là như thế, không thay đổi theo tỷ giá.
Trao đổi với chúng tôi – TS. Lê Đăng Doanh (nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương) cũng cho rằng dân buôn nhập hàng về từ TQ sẽ rủi ro, còn người xuất hàng sang sẽ được lợi hơn. Ông còn cho biết thêm, hiện nay Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá giữa VND và CNY ở mức 1 CNY đổi 3.323 VND, tăng 9 đồng so với phiên trước chưa lấy làm lo ngại.
NDT đang mất giá so với đồng USD, đầu năm đến nay mất giá 8,2%, dự kiến đến cuối năm có thể mất giá đến 10%, NDT giữ ổn định và chỉ hơi tăng giá so với VND. Vì vậy, với mức tỉ giá như vậy hàng TQ sang Việt Nam có thể sẽ vẫn giữ ổn định không rẻ hơn nhiều, còn hàng nước ta sang TQ, có thể rẻ hơn 1 chút, và điều này sẽ ảnh hưởng đến quan hệ mua bán, nhất là quan hệ mua bán biên mậu giữa các nhà kinh doanh nhỏ - lẻ. Tuy nhiên, những người kinh doanh cũng nên xem xét, tính toán những diễn biến mới của NDT, tránh gặp rủi ro cao.
Theo Phương Đỗ (Lao Động)