Nhân dân tệ giảm giá liên tục: VN bị tác động thế nào?

13/12/2015 15:58:25

Vì sao đồng nhân dân tệ giảm giá liên tục sau khi được đưa vào rổ tiền tệ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và điều này sẽ tác động thế nào đối với nền kinh tế, chính sách tiền tệ và doanh nghiệp Việt Nam?

Vì sao đồng nhân dân tệ giảm giá liên tục sau khi được đưa vào rổ tiền tệ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và điều này sẽ tác động thế nào đối với nền kinh tế, chính sách tiền tệ và doanh nghiệp Việt Nam?

Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Nguyễn Văn Toàn - Giám đốc dự án Năng lực thương mại Việt Nam (TVC) mới đây nhận xét: Trung Quốc (TQ) hiện là thị trường xuất nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam (VN), buôn bán chủ yếu thông qua con đường tiểu ngạch. Chúng ta vừa buôn bán với TQ bằng tiền USD và tiền nhân dân tệ (NDT). NDT đã trở thành đồng tiền được quốc tế hóa là tín hiệu tích cực với các doanh nghiệp làm ăn buôn bán với TQ bởi NDT về lý thuyết sẽ “ngang ngửa” với đồng USD, chúng ta thanh toán bằng NDT sẽ thuận lợi hơn, không phải quy đổi theo đồng tiền thứ 3.

Đồng nhân dân tệ giảm giá gây lo ngại làm bất lợi cho nhiều nước xuất khẩu ở châu Á.

Tuy nhiên, ông Toàn cũng lo ngại, bất lợi lớn nhất khi đồng tiền TQ được quốc tế hóa, chính là đồng tiền này có thể được thả nổi. Bằng chứng là nhân dân tệ giảm giá liên tục kể từ khi đồng tiền này được đưa vào rổ tiền tệ của IMF. Điều này sẽ chỉ lợi cho xuất khẩu của TQ còn lại rất khó khăn cho nhiều nước xuất khẩu ở châu Á như VN. “TQ bao giờ cũng muốn điều hành tỷ giá có lợi cho họ, các nước xung quanh phải nương theo cái bóng ấy thì khó khăn và dễ bị thiệt thòi nếu không có các chính sách phù hợp” - ông Toàn nói.

Thực tế hiện nay, giao thương (chính ngạch) VN-TQ chủ yếu dùng đồng USD, thanh toán qua ngân hàng cũng dùng đồng USD. NDT được vào rổ tiền tệ thế giới và xuống giá như vậy sẽ dẫn tới thay đổi nào? Trả lời câu hỏi này, chuyên gia tài chính ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, tốt xấu sẽ là cả hai mặt. Tốt là doanh nghiệp VN có thể mở L/C thanh toán qua ngân hàng bằng NDT. NDT khi đó có uy tín trên thị trường quốc tế và được tự do hoán đổi nên ta không cần qua đồng tiền thứ 3 là USD mà có thể nhận luôn NDT trong mua-bán. Điều này cũng tốt nếu doanh nghiệp vay nợ ngân hàng bằng NDT thay vì USD như hiện nay. Nó giúp doanh nghiệp chủ động hơn, tránh phụ thuộc tỷ giá NDT bằng đồng tiền thứ 3.

Tuy nhiên, đồng tình với quan điểm của ông Toàn, ông Hiếu cũng lo lắng khi NDT đi vào rổ tiền tệ quốc tế nó sẽ được hoán đổi tự do. Phía TQ hiện quản lý hành chính đồng tiền này nhưng tương lai sẽ phải thả nổi nó, đồng NDT mất giá như hiện nay sẽ tác động tiêu cực tới không chỉ đồng tiền và doanh nghiệp VN mà còn của nhiều nước châu Á. “Chính phủ nhiều nước châu Á sẽ buộc phải hạ giá đồng tiền của họ để đảm bảo được lợi thế cạnh tranh thương mại. Nhân dân tệ phá giá sẽ khiến nhiều đồng tiền của các nước, trong đó có VNĐ cũng phải mất giá theo” - ông Hiếu nhấn mạnh.

Quá sớm để lo bị phụ thuộc?

Một vấn đề nữa cũng được đặt ra là liệu VN có bị phụ thuộc vào đồng NDT khi nó “ngang ngửa”với các đồng tiền lớn và biến động đi xuống? Ông Hiếu khẳng định: Quá sớm để lo sợ về điều này. Ông Hiếu nói: “Đồng NDT hiện nay vẫn giữ thanh toán thấp không thể “đọ” với đồng USD trên thị trường quốc tế. Với nền kinh tế VN, đồng USD đã như một đồng tiền thanh toán thứ 2 sau VNĐ do vậy rất khó để đảm bảo người dân sẽ chuyển sang “ưu ái” đồng NDT thay vì USD”.

Tuy nhiên, ông Hiếu cũng lưu ý, VN nhập siêu lớn với TQ nên NDT giảm giá có thể xảy ra sự phụ thuộc đồng NDT ở một chừng mực nào đó khi VN chuyển sang thanh toán với TQ bằng NDT thay vì USD như hiện nay. Điều này đưa đến tình trạng, người dân thanh toán  bằng đồng tiền nào thì găm giữ đồng tiền ấy, nhưng nói về nguy cơ NDT “soán ngôi” được USD và gây ảnh hưởng mạnh trong nền kinh tế VN là quá sớm.

Theo các chuyên gia kinh tế, đánh giá tổng thể thì NDT được thế giới công nhận, VN dùng đồng tiền này cũng đỡ rủi ro, lo ngại hơn. “Đồng NDT dù đứng ngang với các đồng tiền mạnh nhưng cũng vẫn bị ảnh hưởng bởi đồng USD ở mức độ lớn, do đó, VN ảnh hưởng bởi đồng USD nhiều hơn là NDT, ít nhất là trong nhiều năm tới cũng không nên lo VN bị lệ thuộc vào tiền tệ của TQ mà chỉ nên có các giải pháp ứng phó khi NDT biến động ở chừng mực nào đó” - ông Hiếu nói.

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) hôm qua đã thiết lập tỷ giá tham chiếu nội tệ tại 6,4358 NDT đổi một USD. Tỷ giá chốt phiên hôm qua là 6,4236 NDT đổi một USD. Giá giao ngay hàng ngày của NDT đã liên tục lập đáy trong tuần. Việc này đang làm dấy lên câu hỏi PBOC có thể để giá xuống thấp đến mức nào?. Trước câu hỏi này, giới đầu tư cho biết các thị trường đều đã dự báo được Bắc Kinh sẽ cho phép nhân dân tệ giảm giá sau động thái của IMF đưa NDT vào rổ tiền tệ dự trữ của cơ quan này, cùng USD, euro, bảng và yen. Vì vậy, diễn biến của NDT giảm giá hiện nay không khiến họ bất ngờ. “Việc đồng NDT được vào giỏ Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) của IMF là dấu hiệu cho thấy PBOC sẽ để đồng tiền này yếu hơn. Tuy nhiên không thể xảy ra tình trạng mất giá mạnh đồng NDT trong thời gian tới” - Capital Economics nhận định.

Trước đó hồi tháng 8.2015, Ngân hàng Trung ương TQ có đợt điều chỉnh mạnh với tỷ giá đồng NDT. Liên tiếp trong 3 ngày, từ 11 đến 13.8, cơ quan này hạ giá nội tệ thêm lần lượt 1,9%, 1,6% và 1,1% so với USD. Với diễn biến hiện nay, giới đầu tư và phân tích dự báo đồng NDT có thể sẽ tiếp tục giảm giá trị khi TQ nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế đang bị tổn thương bởi đồng nội tệ tương đối mạnh. Song Bắc Kinh cũng đang đối mặt sức ép từ bên ngoài về việc không được phá giá NDT quá mạnh, bởi nó sẽ khiến họ bị mất uy tín vào thời điểm muốn thu hút thêm nguồn vốn từ ngoài.
 
>> Trung Quốc tăng tỷ giá đồng nhân dân tệ phiên thứ 5 liên tiếp
>> Điều gì xảy ra khi Nhân dân tệ vào nhóm “đồng tiền quý tộc"?
>> Nhân dân tệ trở thành đồng tiền dự trữ quốc tế

Theo Mai Hương (Dân Việt)

Nổi bật