Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường: “Hiện chúng ta thu phí BOT thấp nhất Đông Nam Á”.
Nghịch lý 100 km bốn trạm thu phí
Việc tăng phí và đòi tăng phí của nhiều dự án BOT thời gian gần đây khiến nhiều doanh nghiệp (DN), người dân lo lắng. Đỉnh điểm, ngày 6-4, hai xe khách chạy tuyến Đồ Sơn - Yên Nghĩa theo chiều Hải Phòng - Hà Nội vì bất bình liên quan đến phí đã bất ngờ quay ngang ra đường khiến một số phương tiện không thể lưu thông trên tuyến này. Trước đó nhiều xe của hãng này khi đi qua trạm thu phí đã yêu cầu nhân viên trạm thu phí phải hạ phí xuống.
Tăng phí cũng khiến các xe tải né trạm thu phí đi vào đường làng. Các DN tỉnh Hải Dương, Quảng Bình… đã có công văn gửi đến các cơ quan nhà nước yêu cầu giảm phí BOT để bớt gánh nặng cho người dân, DN.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, một lần nữa nêu những lo lắng về phí BOT. Ông Thanh kiến nghị Nhà nước nên xét lại giá, lộ trình về tăng phí BOT. Hiện nay ở một số tuyến vận tải ngắn, phí đường bộ đã cao hơn chi phí nhiên liệu nên gây xáo trộn trong chi phí giá cước vận tải.
“Đặc biệt xem xét khoảng cách các trạm BOT, tìm cách gom các trạm để cố gắng tiếp cận với quy định 70 km/trạm. Như hiện nay có tuyến đường Hà Nội - Thái Bình chỉ 100 km nhưng có đến bốn trạm thu phí là không hợp lý, quá ngắn…” - ông Thanh nói.
Một đại biểu cũng cho rằng mức thu phí 2.000 đồng/km đối với xe năm chỗ là quá cao, cao hơn tiền bỏ ra mua xăng cho loại xe này. Nhà nước nên giãn lộ trình thu hồi vốn hoặc mua lại các trạm thu phí để người dân, DN có thể chịu đựng được.
Xe né trạm thu phí, đi vào các quốc lộ ở Hải Dương. Ảnh: VIẾT LONG |
Sẽ tiếp tục rà soát mức phí phù hợp
Trả lời về những bất cập trên, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết trong quá trình xây dựng dự án BOT, Bộ GTVT cũng như Bộ Tài chính cùng các bộ, ngành liên quan đã duyệt phương án tài chính của các dự án BOT. Theo phương án tài chính đó, lộ trình tăng phí theo mức chỉ số giá tiêu dùng (CPI), cũng như lộ trình để hoàn vốn, để đảm bảo hài hòa ba lợi ích (nhà đầu tư, ngân hàng cho vay vốn, người tiêu dùng). Vì vậy các dự án này đã có quá trình chuẩn bị rất kỹ lưỡng, đồng thời có lộ trình thực hiện rất rõ ràng.
Ông Trường cho rằng: “Trong thời gian vừa qua chúng ta xây dựng các trạm BOT vào thời điểm giai đoạn 2011-2015. Theo lộ trình phí, sau ba năm xem xét tăng phí một lần, như vậy hiện nay các dự án BOT đều tiến hành tăng phí theo lộ trình phương án tài chính đã đề ra”.
Theo ông Trường, để đảm bảo sức chịu đựng của người dân, Bộ GTVT cũng đã xem xét tổng thể các dự án BOT. “Trạm thu phí BOT có hai loại, thứ nhất là trạm thu phí trên các tuyến cao tốc, mức trần được Bộ Tài chính cho phép là 2.000 đồng/km. Với mức cho phép này, hiện một số trạm đang thực hiện thu từ 1.200 đồng/km đến 1.500 đồng/km. Riêng một số trạm thu phí như Hà Nội - Hải Phòng đã tăng lên 2.000 đồng/km… Thứ hai là trạm thu phí trên các tuyến quốc lộ chủ yếu thu theo phương án tài chính nhưng mức trần là 45.000 đồng/xe tiêu chuẩn. Hiện các trạm thu phí đang thu ở mức 30.000 đồng đến 40.000 đồng, chỉ có một số trạm tăng lên 45.000 đồng…” - ông Trường nói.
Liên quan đến bức xúc của người dân một số địa phương về phí, ông Trường cho biết thêm Bộ GTVT đang xem xét để tính toán lưu lượng xe ở các trạm thu phí cũng như sức chịu đựng của người dân ở khu vực đó để đưa lộ trình tăng phí một cách phù hợp.
Theo Viết Long (Pháp Luật TP HCM)