Nhà tiền tỷ bí lối vào: Quả đắng chung cư cao cấp

14/02/2017 07:04:00

Nghịch lý đang diễn ra tại nhiều dự án chung cư cao cấp, người mua bỏ ra hàng tỷ đồng mua nhà nhưng đối mặt sự thật bất ngờ: dự án không có đường vào hoặc phải đi nhờ. Dù bức xúc nhưng hợp đồng đã ký, tiền đã nộp, họ chỉ còn kêu cứu cơ quan chức năng.

Nghịch lý đang diễn ra tại nhiều dự án chung cư cao cấp, người mua bỏ ra hàng tỷ đồng mua nhà nhưng đối mặt sự thật bất ngờ: dự án không có đường vào hoặc phải đi nhờ. Dù bức xúc nhưng hợp đồng đã ký, tiền đã nộp, họ chỉ còn kêu cứu cơ quan chức năng.

Nhiều cư dân ở Home City (Cầu Giấy, Hà Nội) phản ánh họ rất bức xúc vì phải đi đường tạm vào nhà. Bởi, trong Hợp đồng mua bán căn hộ và tất cả các văn bản liên quan đến dự án, chủ đầu tư đều lấy địa chỉ là 177 Trung Kính, tổ 51, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội làm địa chỉ chính thức. 

Song, từ khi bàn giao nhà cho cư dân, chủ đầu tư đã cho bảo vệ chặn lối đi này, yêu cầu tất cả cư dân phải đi lối ra đường Nguyễn Chánh. Cư dân ở đây đều muốn chủ đầu tư công bố chính xác đường về nhà để họ có căn cứ đăng ký thông tin cá nhân, thuận lợi hơn trong sinh hoạt hàng ngày.

Nhà tiền tỷ bí lối vào: Quả đắng chung cư cao cấp
Cư dân Home city tố chủ đầu tư "ép" dân đi đường vòng vào căn hộ

Ông Phạm Đình Tuân, đại diện cư dân Home City, cho biết, đường Nguyễn Chánh nối với đường vào khu căn hộ rất nhỏ, nhiều cây to nên khuất tầm nhìn. Người dân có cảm giác bị lừa khi bị ép đi đường Nguyễn Chánh. Ban đầu, chủ đầu tư và nhà phân phối dự án không cho biết phải đi đường Nguyễn Chánh, hồ sơ hợp đồng đều ghi là đường Trung Kính. 

Trong khi đó, phí chủ đầu tư Công ty TNHH MTV Đầu tư Văn Phú - Trung Kính vẫn cho rằng mình đúng. Chủ đầu tư khẳng định tuyến đường mà cư dân cho là đường tạm chính là đường theo quy hoạch của dự án, đã được chủ đầu tư hoàn thiện và đưa vào sử dụng theo đúng quy định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Theo quy hoạch đã được phê duyệt, phần công trình dự án trường Tiểu học sẽ đi theo đường Trung Kính (177 Trung Kính) và công trình Dự án khu nhà ở cao tầng sẽ đi theo đường quy hoạch 21m là con đường Nguyễn Chánh hiện nay.

Cách đây không lâu, dự án Sky City (Đống Đa, Hà Nội) cũng khiến cư dân ngã ngửa khi chủ đầu tư công bố đòi lại hai phần ba lối vào với lý do đây là phần đất đi thuê.   

Công ty Hanotex cho biết đã đi thuê đất để cho cư dân “mượn tạm” lối ra vào trong suốt 5 năm qua. Hợp đồng đã chấm dứt và cư dân sẽ phải hoàn trả lại phần diện tích đó để lối ra vào chỉ còn rộng 3,5m và phải đi chung với dãy nhà hàng xóm khác.

Nhà tiền tỷ bí lối vào: Quả đắng chung cư cao cấp
Dự án Sky City bị thu hẹp đường vào

Theo phản ánh của cư dân, tổng diện tích lối đi vào chung cư chỉ còn 3,5m, với mức diện tích quá hẹp này không thể đảm bảo hai xe ô tô có thể tránh nhau, hoặc trong trường hợp xấu nhất là xảy ra hỏa hoạn thì xe cứu hỏa cũng không thể tiếp cận vào chung cư.

Đón quy hoạch, mặc dân kêu ca

Tình trạng bán nhà quảng cáo hoa mỹ “ngay mặt đường” nhưng thực tế lối vào rất nhỏ, hoặc đi cổng sau không phải là hiếm. Nhiều chủ đầu tư thường chọn mua đất ở các vị đón trước một con đường sẽ được quy hoạch chạy qua để được hưởng lợi về giá đất mua vào và giá chênh công trình sau khi hạ tầng được hoàn thiện.

Không ít chủ đầu tư cho rằng việc xây dựng nhà ở đón đầu quy hoạch trong tương lai. Khi đó dự án sẽ “hô biến” ra mặt đường. 

Dự án Hongkong Tower (Đê La Thành, quận Cầu Giấy) từng quảng cáo có vị trí đắc địa, trung tâm nội đô, giao thông thuận lợi. Thực tế, dự án không nằm ngay mặt đường Đê La Thành, cửa ngõ thủ đô như quảng cáo. 

Khách đến muốn tìm tận nơi phải mất khá nhiều thời gian mới xác định được đúng vị trí đặt tòa chung cư 27 tầng tương lai là ngay bên chân tòa Icon 4, cạnh ĐH Giao thông Vận tải.  Còn theo giải thích của một nhân viên kinh doanh, đây là công trình đi trước, đón đầu quy hoạch tuyến đường Voi Phục -Thái Hà rông 40 m sẽ chạy qua trong tương lai.

Nhà tiền tỷ bí lối vào: Quả đắng chung cư cao cấp
Đường chưa làm, chung cư đã kín

Phố Lĩnh Nam có 5 dự án chung cư đang được triển khai xây dựng với với hàng nghìn hộ dân đến ở trong khi đó đường vào của các dự án này đều khá nhỏ. Các dự án này khởi công và bán nhà đều đi trước quy hoạch mở đường ở đây. 

Các dự án quảng cáo rằng khu vực phía Nam chỉ cách trung tâm Hà Nội 5km, hạ tầng giao thông đã phát triển nhanh chóng trong vài năm trở lại đây, nhiều tuyến đường được mở rộng và xây mới như đường cao tốc trên cao, cầu Thanh Trì và cầu Vĩnh Tuy,... 

Song, các dự án cơ sở hạ tầng vẫn án binh bất động. Điều này dẫn tới hệ quả là tắc nghẽn giao thông ngày càng trầm trọng tại các trục đường chính.

Quy hoạch cũng có thể thay đổi. Công trình xây xong, giá chào bán cao ngất ngưởng nhưng đường thì chưa chắc đã mở. Nhìn vào tình hình giải phóng mặt bằng như hiện nay, việc có được mặt đường rộng còn phải chờ dài dài. 

Theo Duy Anh (VietNamNet)

Nổi bật