Ông Huy Nhật đã chủ động liên lạc với chỉ hai tờ báo - Zing và Tuổi Trẻ. Trong cuộc phỏng vấn hạn hẹp này ông nói đang cố gắng giành lại thương hiệu của mình. “Tôi nghĩ rằng cho đến khi có kết quả, tôi mới có đủ quyền hành cũng như nghĩa vụ pháp lý để giải quyết các vấn đề hiện nay từ nợ lương nhân viên đến công nợ với nhà cung cấp. Tuy nhiên, sức ép lên danh dự cá nhân, gia đình và cả tương lai phía trước quá lớn, tôi phải xuất hiện. Đây là cú sốc lớn” - ông nói với Tuổi Trẻ.
Âm mưu chiếm đoạt
Theo lời ông Huy Nhật, nhóm các nhà đầu tư nước ngoài âm mưu giành quyền điều hành và gạt ông ra khỏi Huy Việt Nam từ tháng 5/2019. Trong sáu ghế của HĐQT thì có ba ghế của nhà đầu tư, ba ghế còn lại là người của Huy Việt Nam. Khi xảy ra xung đột, các nhà đầu tư đòi tăng thêm một ghế nhưng ông không chịu. “Hai bên đã đưa nhau ra trọng tài kinh tế Hồng Kông để giải quyết” - ông nói.
Trong khi chờ phán quyết cuối cùng, nhóm này đã đơn phương lập Nghị quyết HĐQT bất hợp pháp khi không có sự tham gia của ba người đại diện cho ông Nhật. “Không có cả chữ ký của tôi với vai trò chủ tịch, không có con dấu công ty” - ông kể.
“Họ đã mang văn bản này về Việt Nam và nộp lên Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM để thay đổi người đại diện pháp nhân Huy Việt Nam mà tôi không hề hay biết. Tình cờ bộ phận pháp lý của tôi làm việc mới phát hiện ra tôi không còn là đại diện pháp nhân của công ty. Khi đó chúng tôi mới ngỡ ngàng và đến Sở Kế hoạch và Đầu tư hỏi về sự việc và đến công an để khai báo” - nhà sáng lập Món Huế nói.
Ông cũng nói rằng chưa từng gặp ông Nguyễn Quỳnh Anh - người đại diện pháp luật mới của Huy Việt Nam. Ngày 5/10, người đại diện mới đã cùng các bảo vệ người nước ngoài đến “xâm chiếm trụ sở văn phòng và bếp trung tâm, uy hiếp tinh thần toàn bộ nhân viên, gây ra sụp đổ của hệ thống”
Ông nói rằng các thông tin bất lợi về mình ở Việt Nam là do nhóm các nhà đầu tư trên gây ra để hạ uy tín ông. “Điều này tốt hơn cho việc tranh tụng tại Hồng Kông” - ông nói.
“Ve sầu thoát xác”
Ông Nhật nói sẽ lui về vị trí cổ đông nếu có người khác phù hợp và đủ khả năng thay thế. Ông kỳ vọng: “Nếu giành lại được pháp nhân của mình, sẽ sẵn sàng làm lại Món Huế và giải quyết các vấn đề của công ty. Ngay cả khi Món Huế không còn được yêu thích như trước nữa, chúng tôi cũng có thể đổi hướng sang các con đường khác phù hợp với xu thế hơn”.
Trong cả hai cuộc phỏng vấn riêng rẽ, ông Huy Nhật và các nhà báo đã không đá động đến những câu chuyện liên quan đến nhà hàng Huy Seafood Garden Hotpot đang xây dựng tại 138 Lý Tự Trọng, Bến Thành, Q.1, TP.HCM. Nhà hàng này thuộc quản lý của Nhà hàng Long Khang, do Huy Nhật nắm 61% vốn. Các thông báo tuyển dụng nhân sự cho nhà hàng đều ghi địa chỉ nhận hồ sơ là văn phòng của Món Huế trên đại lộ Võ Văn Kiệt.
Ngày 11/11, một nhóm người đã xuất hiện tại địa điểm của nhà hàng mới và căng băng rôn tố cáo ông Huy Nhật chơi trò “ve sầu thoát xác” hay “xóa game chơi lại”.
Cần tư cách pháp nhân
Ông Huy Nhật cho biết vẫn đang nắm giữ 30% công ty và là cổ đông lớn nhất của doanh nghiệp này mặc dù không còn quyền điều hành.
"Tuy nhiên, hiện nay tôi không còn điều hành, không còn là đại diện pháp lý nên không biết lấy tư cách gì để thanh toán cho người ta. Tôi nói chuyện với luật sư, họ nói dù muốn thanh toán công nợ cho những nhà cung cấp hay trả nợ lương nhân viên thì cũng cần dựa trên pháp lý” - ông này nói.
Tuy nhiên, cổ đông lớn “chưa thể xác nhận” các thông tin Món Huế lỗ 50 tỷ đồng các năm trước và lũy kế nợ phải trả đến 800 tỷ đồng vì “không thể tiếp cận về thông tin tài chính”. Đây là câu hỏi lớn nhất mà mọi người quan tâm về sức khỏe tài chính của Món Huế trong nhiều năm qua và cả khả năng điều hành và lãnh đạo của ông Huy Nhật.
Trước đó, các nhà đầu tư cũng không xác nhận thông tin về các khoản thua lỗ trên. “Chúng tôi không biết được thực tế này. Ông Huy Nhật đã cung cấp cho các nhà đầu tư các báo cáo tài chính cho thấy việc kinh doanh đang tăng trưởng và thu về lợi nhuận” - họ khẳng định.
Công ty Huy Viet Nam Group Limited là pháp nhân có trụ sở đăng ký ở Cayman thuộc quần đảo “thiên đường thuế” ở phía tây vùng biển Caribe. Đây là một trong ba công ty chính trong hệ sinh thái doanh nghiệp do ông Huy Nhật sáng lập cùng với Huy Viet Nam (Hồng Kông) Limited và Công ty TNHH Chế biến Thực phẩm Huy Việt Nam. Ba doanh nghiệp này sẽ kêu gọi các quỹ đầu tư nước ngoài bỏ vốn vào các chuỗi ẩm thực ở Việt Nam.
Trong đó, Huy Viet Nam (Hồng Kông) sở hữu 100% vốn tại Công ty Chế biến Thực phẩm Huy Việt Nam và gần 36% vốn tại pháp nhân sở hữu trực tiếp chuỗi nhà hàng Món Huế là Công ty TNHH Nhà hàng Món Huế.
Nhóm nhà đầu tư bao gồm ADV Partners, AIF Capital, F&H Fenghe, Fortress Investments, Gryphus Capital và Welkin Capital. Từ năm 2013 đến nay, các quỹ đầu tư tư nhân quốc tế này nói họ đã rót hơn 70 triệu USD vào công ty của ông Huy Nhật.
Ngày 22/10, gần 200 nhà hàng Món Huế, Phở Ông Hùng... đồng loạt đóng cửa, 1.500 nhân viên Món Huế cùng các nhà cung ứng đồng loạt tố cáo ông Huy Nhật còn nợ lương, tiền thuê nhà và tiền cung ứng nguyên liệu lên đến vài chục tỷ đồng. Ông Huy Nhật và các nhân vật quan trọng của Món Huế cũng biến mất.
Cục Thuế TP.HCM đã phong tỏa tài khoản ngân hàng của Món Huế và công bố rằng tài khoản công ty không còn tiền.
Theo Ricky Hồ (Nguoitieudung.com.vn)