“Cuộc chơi” lớn
Theo các DN, hiện nay, tỷ lệ sở hữu ô tô tại Việt Nam mới ở mức 23 xe/1.000 dân, trong khi con số này ở Thái Lan vào khoảng 80 xe/1.000 dân, còn ở các quốc gia phát triển thì từ 200-400 xe/1.000 dân. Vì vậy, nhu cầu về ô tô của Việt Nam vẫn rất cao.
Năm 2018, thu nhập bình quân đầu người Việt Nam đạt trên 2.600 USD; khi thu nhập bình quân đạt 3.000 USD/người/năm, thị trường ô tô sẽ “bùng nổ”. Giai đoạn ô tô hóa sẽ diễn ra trong vài năm tới. Dự báo sau 2020 quy mô thị trường sẽ đạt 500.000 xe/năm và tới 2030 có thể đạt quy mô 1 triệu xe/năm.
Thị trường tiềm năng đã thúc đẩy nhiều DN đầu tư lớn cho sản xuất lắp ráp tại Việt Nam. Các DN đã đổ hàng tỷ USD cho sản xuất lắp ráp ô tô, với những nhà máy hiện đại và vẫn tiếp tục đầu tư lớn trong thời gian tới.
Nhà máy sản xuất ô tô VinFast thuộc tập đoàn Vingroup, với số vốn đầu tư hơn 3 tỷ USD, đã hoàn thiện giai đoạn 1. Với công suất đạt 250.000 xe, nhà máy sẽ đi vào hoạt động từ tháng 6/2019. Nhà máy có dây chuyền sản xuất hiện đại, tự động hóa cao, gồm xưởng thân vỏ, xưởng sơn, xưởng động cơ, xưởng lắp ráp và xưởng sản xuất linh kiện.
Khi đi vào hoạt động, ô tô sản xuất tại đây sẽ bắt đầu từ thép tấm, dập ra thân vỏ xe, hàn thân vỏ, sơn, sản xuất động cơ và một số linh kiện khác, cuối cùng là lắp ráp thành chiếc xe hoàn chỉnh, với công suất 38 chiếc/giờ. Đây sẽ là nhà máy ô tô có tỷ lệ nội địa hóa cao nhất tại Việt Nam, đạt khoảng 50% ngay từ khi đi vào hoạt động.
Hợp tác với tập đoàn Hyundai (Hàn Quốc), Hyundai Thành Công đang hoàn thành các bước chuẩn bị để đầu tư Nhà máy ô tô lớn giai đoạn 1 có công suất đạt 120.000 xe. Dự kiến nhà máy sẽ hoàn thành cuối năm 2020.
Trước đó, vào tháng 3/2018, Công ty ô tô Trường Hải đã bắt tay với tập đoàn Mazda (Nhật Bản) đưa vào hoạt động nhà máy ô tô Mazda tại Quảng Nam, công suất giai đoạn 1 đạt 50.000 xe, dự kiến giai đoạn 2 sẽ nâng lên 120.000 xe. Tuy nhiên, hiện sản xuất mới đạt 30.000 xe/năm nên chưa đầu tư mở rộng.
Đó là chưa kể việc đầu tư mở rộng sản xuất của một số DN FDI như Toyota, Mitsubishi Việt Nam... Nếu các DN đầu tư đúng kế hoạch, tổng công suất sản xuất lắp ráp ô tô con tại Việt Nam sẽ đạt hơn 1 triệu xe trong giai đoạn 2020-2030.
Giá xe sẽ rẻ
Các DN sản xuất, lắp ráp ô tô hiện chờ đợi những chính sách ưu đãi từ các cơ quan chức năng. Bộ Tài chính vừa qua đã đề xuất sửa Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt, theo đó ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống sẽ được miễn khoản thuế này, với phần linh kiện sản xuất trong nước.
Nếu được vậy thì DN ô tô càng có tỷ lệ nội địa hóa cao, càng được hưởng lợi, qua đó giúp giảm giá thành. Theo tính toán của các DN, việc tạo ra khung xe từ thép tấm cùng một số linh kiện khác sẽ đạt tỷ lệ nội địa hóa trên 40%. Khi đó, giá ô tô sẽ giảm khoảng 20%. Một chiếc xe giá 600 triệu đồng sẽ giảm khoảng 120 triệu đồng. Nếu sản xuất một số chi tiết và lắp ráp động cơ tại Việt Nam, tỷ lệ nội địa hóa sẽ đạt 50% khi đó giá xe sẽ giảm khoảng 25% và chiếc xe 600 triệu đồng sẽ giảm 150 triệu đồng.
Bên cạnh đó, các DN cũng đề nghị miễn thuế nhập khẩu với nguyên vật liệu đầu vào để sản xuất linh kiện ô tô. Điều này sẽ giúp giảm chi phí sản xuất linh kiện, tăng tính cạnh tranh.
Lo ngại xe nhập khẩu hưởng thuế 0% từ ASEAN tràn vào, các DN cho rằng cần kiểm soát chặt chẽ. Chẳng hạn, tiến hành hậu thanh kiểm tra điều kiện để được hưởng thuế suất nhập khẩu ưu đãi 0% đối với xe nhập khẩu nguyên chiếc từ ASEAN (đòi hỏi có tỷ lệ nội địa hóa tối thiếu 40%). Bởi đạt được tỷ lệ nội địa hóa này là rất khó, nhất là đối với những mẫu xe du lịch cao cấp.
Tuy nhiên, một số DN cũng có ý kiến, nếu thời gian tới, ô tô sản xuất lắp ráp trong nước được hưởng ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt, các cơ quan chức năng cần kiểm soát chặt chẽ về tỷ lệ nội địa hóa để tránh gian lận. Ví như, những dây chuyền sản xuất thân vỏ xe hiện đại mà không có công đoạn dập thân vỏ từ thép tấm, thì thực chất cũng chỉ là lắp ráp, không thể có tỷ lệ nội địa hóa cao. Như vậy mới đảm bảo sự công bằng.
Theo Trần Thủy (VietNamNet)