Nhà máy 2.000 tỷ của PetroVietnam nợ 1.300 tỷ đồng khi đóng cửa

27/07/2016 11:10:00

Việc không thể tiêu thụ sản phẩm xăng sinh học E5 khiến Nhà máy Bio Ethanol Dung Quất không có khả năng trả khoản nợ 1.300 tỷ đồng cho các ngân hàng.

 
Việc không thể tiêu thụ sản phẩm xăng sinh học E5 khiến Nhà máy Bio Ethanol Dung Quất không có khả năng trả khoản nợ 1.300 tỷ đồng cho các ngân hàng.

Cụ thể, do sản phẩm xăng E5 của Bio Ethanol Dung Quất không tiêu thụ được nên không có khả năng trả khoản nợ hơn 1.300 tỷ đồng cho các ngân hàng trên địa bàn. Trước đó, nhà máy này đã phải dừng hoạt động từ tháng 3/2016 và theo Cục thuế Quảng Ngãi ở thời điểm ấy, dư nợ vay đầu tư của Công ty Nhiên liệu sinh học Dầu khí miền Trung (đơn vị quản lý nhà máy) tại 3 ngân hàng PV Combank, Vietcombank và Oceanbank đã tương đương 1.000 tỷ đồng.

nha-may-2000-ty-cua-petrovietnam-no-1300-ty-dong-khi-dong-cua

Nhà máy xăng sinh học Bio Ethanol Dung Quất có vốn đầu tư 2.019 tỷ đồng. Ảnh:V.M

Nhà máy Nhiên liệu sinh học Dung Quất là dự án thuộc Công ty Nhiên liệu sinh học Dầu khí miền Trung (Công ty TNHH MTV Lọc hoá đầu Bình Sơn của Tập đoàn Dầu khí đại diện vốn). Vốn đầu tư của dự án lên tới 2.019 tỷ đồng.

Được khởi công xây dựng năm 2009, đây là nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học có quy mô đầu tư lớn nhất miền Trung hiện nay, chủ yếu sản xuất cồn Ethanol 99,8% từ sắn lát, công suất 100 triệu lít một năm. Sau 18 tháng thi công, ngày 3/2/2012 nhà máy chính thức cho ra mắt dòng ethanol đầu tiên. Tuy nhiên, từ khi đưa vào hoạt động đến nay, nhà máy không phát huy hiệu quả, gây lãng phí lớn.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho biết nhà máy Bio Ethanol Dung Quất rất khó khăn, thua lỗ dẫn đến thâm hụt vốn. Nguyên nhân lỗ là do ngành sản xuất ethanol nhiên liệu của Việt Nam phải đối mặt với giá nguyên liệu tăng cao trong khi lộ trình sử dụng xăng E5 triển khai chậm. Việc thiếu vốn lưu động, khiến công ty không thể chủ động mua nguyên liệu tại thời điểm giá thấp.

3 cổ đông góp vốn là 3 đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí gồm Tổng công ty Dịch vụ tổng hợp dầu khí (Petrosetco) góp 30%, Công ty TNHH Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR) chiếm 60% và Tổng công ty Tài chính Dầu khí Việt Nam (PVFC) góp 10%. Tuy nhiên, đến nay các đơn vị đều lần lượt thoái vốn khỏi dự án nên Lọc hóa dầu Bình Sơn hiện là cổ đông lớn nhất và nắm gần 100% vốn điều lệ.

Trước đó, trao đổi với PV, một lãnh đạo Công ty Nhiên liệu Sinh học Dầu khí miền Trung xác nhận Nhà máy nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất đã đóng cửa. Công ty có hơn 200 nhân sự, để giữ chân lao động hiện nhà máy đã chuyển một số cán bộ chủ chốt sang Nhà máy Lọc dầu Dung Quất làm tạm thời. Phần lớn các kỹ sư, công nhân còn lại được cho nghỉ việc không lương.

Theo Bạch Dương (VnExpress.net)