"Dừng tất cả hoạt động kinh doanh dịch vụ không thiết yếu phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19: nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn, uống tại chỗ (chỉ cho phép bán hàng mang về), các cửa hàng cắt tóc, gội đầu", là những nội dung quan trọng trong công điện của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh về triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 ở Hà Nội, ban hành chiều 12/7. Theo đó, từ 0h ngày 13/7, các biện pháp này chính thức có hiệu lực.
Trước thông báo mới, nhiều hệ thống nhà hàng buffet hải sản tại Hà Nội đã lên trang Facebook kêu gọi mọi người giải cứu hải sản tươi sống trước giờ dừng bán.
Để tăng tương tác và giới thiệu mặt hàng, lần đầu tiên, nhân viên của các nhà hàng này liên tục phát trực tiếp (livestream) xả hàng.
Theo nhân viên chuỗi nhà hàng buffet Hải Sản tại Thanh Xuân và Hà Đông (Hà Nội), toàn bộ hải sản được nhập về để chuẩn bị cho các buổi buffet buộc phải giảm giá vì từ 13/7 nhà hàng sẽ chấp hành chỉ thị mới về phòng chống Covid-19 của thành phố.
Chỉ trong 1 buổi chiều, bài viết kêu gọi "giải cứu" hải sản của hệ thống này thu hút hơn 1.800 lượt tương tác và hơn 1.400 bình luận mua hàng. Toàn bộ nhân viên liên tục túc trực điện thoại, ghi đơn và khoảng gần chục nhân viên khác hỗ trợ cân hải sản, đóng gói và gửi hàng cho khách.
Theo đó, nhiều mặt hàng tại đây như ốc hương giá 290.000 đồng/kg giảm còn 260.000 đồng/kg. Tôm càng xanh loại 20-25 con 1 cân giá 240.000 đồng/kg. Cua cà mau 4 con 1 cân giá 270.000 đồng/kg, loại 3 con 1 cân giá 320.000 đồng/kg. Tôm hùm Alaska 1,2 triệu/kg, cua Hoàng đế 2,2 triệu/kg.
Tương tự, một nhà hàng buffet tại Nguyễn Chí Thanh cũng liên tục livestream trên fanpage, thông báo giảm giá hàng loạt hải sản vì "trót nhập quá nhiều". Đến tối cùng ngày, nhà hàng này thông báo đã quá tải đơn hàng và "cháy" nhiều loại hải sản "hot" như tôm càng xanh, ghẹ, cua cà mau.
"Hiện nhà em chỉ còn các loại sò đồng giá 90.000 đồng/kg và tôm càng xanh cực đại", nhà hàng thông báo.
Theo khảo sát, thị trường hải sản đã có dấu hiệu giảm giá nhiều mặt hàng như cua Cà Mau, tôm càng xanh hay ghẹ xanh. Tuy nhiên, hiện tượng xả hàng như trên không diễn ra quá ồ ạt tại các điểm chỉ bán hàng tươi sống mang về.
Thu Hiền, chủ chuỗi hải sản tươi sống tại Vũ Phạm Hàm lý giải, các nhà hàng thường nhập 1 lượng hàng lớn đầu tuần để chuẩn bị cho các ngày tiếp theo, do đó, khi có yêu cầu đóng cửa thì việc xả hàng là tất yếu.
Để kịp phục vụ lượng khách mua tăng vọt 50% so với ngày thường trước giờ tạm dừng hoạt động, cửa hàng này đã luân chuyển các loại hải sản ở từng cơ sở, đảm bảo đẩy được hàng thật nhanh.
"Hải sản không để được lâu, nếu có thì thịt cũng hao nhiều. Chưa kể, lượng khách mua hải sản ở nhà hàng buffet mang về nhà để chế biến cũng giảm mạnh khi có lệnh tạm ngừng hoạt động, nên buộc phải bán nhanh nhất có thể để không lỗ", Thu Hiền nói.
Chủ cửa hàng hải sản trên đường Lê Văn Lương cho hay, tuy không xả hàng nhưng dự kiến sẽ có tình trạng giảm sức mua, để hút khách, điểm này cân nhắc điều chỉnh lại giá 1 số mặt hàng vào ngày mai.
Theo Hoàng Linh (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)