Một năm trở lại đây, anh Nguyễn Trường Lâm ở Mễ Trì (Nam Từ Liêm, Hà Nội) không còn lạ lẫm với bạch trà. Bởi, gần như tuần nào anh cũng cùng bạn bè ngồi nhâm nhi chén trà và cảm nhận mùi vị từ chát nhẹ chuyển sang ngọt dịu sâu lắng qua từng ngụm bạch trà.
“Bạch trà rất đặc biệt. Khi pha nước trà trắng trong. Nhấp ngụm đầu tiên, trà có vị chát nhẹ. Nhấp ngụm thứ hai cảm nhận hương vị dịu dần. Đến ngụm thứ ba, trà bắt đầu chuyển ngọt dịu, sâu lắng”, anh nói.
Vì mê hương vị của loại trà thượng hạng này nên dịp Tết năm nay anh đặt mua một lượng trà lớn để làm quà tặng bạn bè thân thiết và gia đình nội ngoại.
Anh Trường Lâm tìm hiểu thì biết rằng, trên thị trường rất nhiều người rao bán bạch trà với mức giá khác nhau. Nhưng để tìm mua được loại bạch trà Vip từ cây trà Shan tuyết vài trăm năm tuổi trên đỉnh Tây Côn Lĩnh tương đối khó. Anh phải nhờ vài mối người quen mới mua được chục cân trà bạch trà.
Vốn là người thích thưởng trà nên ngoài hồng trà, mỗi năm anh Đặng Minh Phương ở Long Biên (Hà Nội) cũng chi ra vài chục triệu đồng đặt mua khoảng 15kg bạch trà để vừa uống vừa đem đi biếu tặng vào các dịp lễ, Tết.
“Số lượng tôi dùng để pha trà uống một năm cũng chỉ 3,5-4kg. Còn lại chia ra đem đi biếu mỗi người 3-5 lạng”, anh nói. Nhưng dù là mua uống hay đem biếu tặng, lần nào anh cũng phải đặt mua loại bạch trà hảo hạng nhất dù giá loại này rất đắt đỏ.
Trao đổi với PV. VietNamNet, ông Trần Thế Cường, Giám đốc Công ty CP Tam Thất Hà Giang (doanh nghiệp chế biến và phân phối trà cao cấp), cho biết, nguồn bạch trà Shan tuyết cổ thụ hiện nay không có nhiều. Bởi quy trình thu hái và chế biến rất kỳ công, chưa kể nguồn nguyên liệu phụ thuộc hoàn toàn vào rừng trà tự nhiên.
Trên đỉnh Tây Côn Lĩnh (phía tây Hà Giang) - nóc nhà Đông Dương - có những rừng trà Shan tuyết cổ thụ lên đến vài trăm năm tuổi. Khi mùa xuân đến, sau một thời gian cây trà Shan tuyết ngủ đông tích luỹ dưỡng chất bắt đầu đâm chồi, nảy lộc. Vào những ngày đẹp trời, không mưa, ít sương mù, người dân tranh thủ hái những búp trà mập mạp được phủ một lớp lông mịn tuyết trắng bên ngoài. Đây là nguyên liệu để làm ra loại bạch trà thượng hạng.
Trời nắng lên, bà con sẽ ngừng thu hái vì khi có nắng, lượng dưỡng chất trong trà giảm dần.
Dưới nhiệt của nắng và gió, những búp trà được phơi trên nong tre sẽ héo dần và khô thành phẩm trà. Lúc này, lớp lông phía bên ngoài càng trắng mịn bao phủ nõn trà to mập, trông như tuyết. Theo ông Cường, để làm ra 1kg bạch trà khô cần ít nhất 5kg trà tươi.
Tuy nhiên, trong quá trình phơi, nắng to quá không tốt, không có nắng thì càng không được. Thế nên, lượng nhiệt tự nhiên phải điều chỉnh thích hợp trong công đoạn này vì nó trực tiếp tạo ra hương vị ngon nhất và khác biệt nhất với mẻ trà đó.
Đây là những lý do bạch trà Shan tuyết trên đỉnh Tây Côn Lĩnh không những quý hiếm mà giá còn vô cùng đắt đỏ, ông Cường cho hay. Song, giá của bạch trà phụ thuộc lớn vào độ tuổi của cây.
Ví như, bạch trà được thu hái từ những cây trà cổ thủ trên 500 tuổi có giá 5 triệu đồng/kg tới cả chục triệu đồng/kg; bạch trà hái từ cây 300 năm tuổi đến 500 tuổi có giá 3,5 triệu đồng/kg; cây từ 100-200 tuổi sẽ cho ra loại bạch trà giá 2,3 triệu đồng/kg; còn những cây trà non tuổi hơn thì giá chỉ khoảng 1,5 triệu đồng/kg.
“Dịp Tết Quý Mão 2023 này tôi có đúng 1 tấn bạch trà các loại. Khách là các doanh nghiệp, cá nhân đã đặt mua hết sạch”, ông tiết lộ. Khách lẻ thường mua vài cân, cũng có người mua một lần 20kg bạch trà vừa để uống, vừa đem biếu tặng. Riêng khách doanh nghiệp, họ đặt vài chục set, mỗi set giá 3,5 triệu đồng. Đơn doanh nghiệp đặt thường dao động trong khoảng 100-200 triệu đồng.
Bà Trần Thị Hoài, đầu mối buôn trà lớn ở Hoàng Sù Phì (Hà Giang), hiện ngừng nhận đơn đặt bạch trà dịp Tết. Bởi năm nay trà mất mùa, nguồn cung rất khan hiếm. “Trà này giá đắt đỏ nên tương đối kén khách. Tôi chủ yếu bán cho các khách quen mua uống và biếu tặng”, bà nói.
Riêng mùa Tết này, số lượng bạch trà khách đặt qua bà Hoài đã lên tới 80kg. Để có số lượng trà này, bà phải gom từ rất nhiều mối trong dân. Vì vậy, bà đã dừng nhận đơn mới.
Theo Tâm An (VietNamNet)