Nhà giàu Trung Quốc - Thị trường màu mỡ cho các ngân hàng

07/03/2016 06:59:20

Nhóm người thu nhập cao ở đây vừa tạo ra cơ hội, vừa mang lại thách thức cho các ngân hàng toàn cầu, như Morgan Stanley hay UBS khi tìm cách thâm nhập mảng quản lý tài sản.

Nhóm người thu nhập cao ở đây vừa tạo ra cơ hội, vừa mang lại thách thức cho các ngân hàng toàn cầu, như Morgan Stanley hay UBS khi tìm cách thâm nhập mảng quản lý tài sản.

Trong đó, doanh nhân công nghệ là một trong những nhóm tăng trưởng nhanh nhất. Cứ 5 người siêu giàu thì có 4 người hoạt động trong lĩnh vực công nghệ. Người giàu nhì Trung Quốc không hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hay bất động sản mà là Jack Ma - nhà sáng lập ra hãng thương mại điện tử Alibaba.

"Trong lĩnh vực công nghệ, nhanh thì chỉ mất 6 năm bạn đã có thể trở thành tỷ phú từ hai bàn tay trắng. Trong khi các lĩnh vực truyền thống khác phải mất hơn 20 năm", Francis Liu - quản lý mảng khách hàng thu nhập cao tại UBS chia sẻ.
 

Jack Ma - tỷ phú giàu nhỉ Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg

 
Wang Feng là một trong nhiều doanh nhân thành đạt của làng công nghệ. Ông cũng là đối tượng mà các ngân hàng tư nhân, từ Goldman Sachs hay Credit Suisse đều muốn săn đón. Wang Feng năm nay 46 tuổi, giữ chức Chủ tịch Linekong Interactive Group (Bắc Kinh) - hãng game có thị giá khoảng 194 triệu USD. Wang sở hữu 20% cổ phần công ty.

Năm năm trước, Wang đồng sáng lập Geek Founders Capital và nhận được tổng 300 triệu NDT (45,7 triệu USD) sau 3 vòng huy động vốn. Ngoài ra, ông cũng đầu tư vào hơn 60 công ty khác. "Tốc độ phát triển nhanh chóng của lĩnh vực công nghệ đang tạo ra rất nhiều cơ hội. Miễn là bạn thông minh, bạn sẽ tạo ra được tiền. Và khi kiếm được tiền, bạn cần phải đầu tư", Wang nói.

Sự ăn nên làm ra của Wang trong lĩnh vực công nghệ cho thấy cỗ máy làm giàu của Trung Quốc đang thay đổi mạnh. Nói cách khác, nhóm người có thu nhập cao ở Trung Quốc ngày càng tăng. Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức lớn đối với các ngân hàng toàn cầu, như Morgan Stanley, UBS hay Credit Suisse, khi tìm cách thâm nhập vào mảng quản lý tài sản ở Trung Quốc.

Ở nước này, dịch vụ ngân hàng cá nhân là một thị trường tiềm năng nhưng cũng rất khó nhằn, đặc biệt là với các nhà băng nước ngoài. Người giàu Trung Quốc cần được trợ giúp cả về mặt quản lý tài chính lẫn xây dựng doanh nghiệp. Nhưng thông thường, họ sẽ đầu tư vào bất động sản và các tài sản tài chính, cũng như thích làm việc với các ngân hàng Trung Quốc.
 

Người Trung Quốc chọn xe cũ tại một chợ ở Liêu Ninh. Ảnh: SCMP

 
Trong khi đó, dù đều có giấy phép kinh doanh hoặc có liên doanh tại Trung Quốc, một số ngân hàng nước ngoài, như JPMorgan Chase, Goldman Sachs, và Citigroup, vẫn chưa thể tạo dấu ấn trên thị trường quản lý tài sản do hệ thống chi nhánh ít.

Tuy nhiên, thế hệ trẻ bây giờ đã cởi mở hơn trong việc sử dụng sản phẩm của các ngân hàng nước ngoài, Chen Shi - nhân viên China Merchants Bank tại Hàng Châu cho biết. Và tất nhiên, những ngân hàng cung cấp dịch vụ quản lý tài sản và ngân hàng đầu tư (như huy động vốn qua chứng khoán hay tư vấn sáp nhập) cũng dần có lời.

Tháng 1/2016, CEO UBS - Sergio Ermotti nhận định: "Nếu bỏ qua những biến động trên thị trường gần đây, Trung Quốc là một 'miếng mồi ngon', cũng giống như 20 năm trước vậy". UBS dự định tăng gấp đôi số lượng nhân viên làm việc tại Trung Quốc trong 5 năm tới.

Dịch vụ ngân hàng cá nhân là mảng kinh doanh rất hấp dẫn với các ngân hàng, vì nó không cần phải huy động quá nhiều vốn nhưng lại tạo ra doanh thu ổn định. Thông thường, khách hàng sẽ phải trả một khoản phí tương đương 1% tổng tài sản muốn được quản lý cho các ngân hàng tư nhân. Và nếu muốn sử dụng thêm các sản phẩm khác, họ sẽ phải trả thêm.

Không chỉ phải cạnh tranh khốc liệt với các đối thủ phương Tây, các ngân hàng cũng phải đối mặt với một thách thức lớn khác ở Trung Quốc. Đó là sự phát triển của các công ty tài chính - công nghệ, kết hợp ứng dụng trên điện thoại thông minh với công cụ đầu tư điện tử khác để thu hút giới trẻ và người giàu mới nổi.

Ví dụ điển hình cho mô hình này là Công ty môi giới trực tuyến - Tiger Brokers, Công ty chứng khoán Futu (phát triển một số ứng dụng cho phép giới đầu tư mua chứng khoán bằng điện thoại đi động), hay hãng tư vấn đầu tư tự động MiCai. Điều trớ trêu đối với các nhà băng là những doanh nhân trong làng công nghệ Trung Quốc (đối tượng các ngân hàng đang đeo bám) lại là những người có khả năng phát triển mô hình này nhất. 

Li Zhiguo, 38 tuổi, là một lập trình viên ứng dụng trong lĩnh vực tài chính. Anh kiếm được rất nhiều tiền từ những ứng dụng đã viết khi còn làm việc tại Alibaba. Năm 2010, anh xin nghỉ việc và dấn thân vào lĩnh vực đầu tư. Năm 2013, anh trở thành CEO Wacai.com - phát triển nền tảng quản lý tài sản cá nhân. Hiện trang web quản lý tài sản của 1 triệu người.

Li đồng thời cũng là khách hàng tham gia dịch vụ ngân hàng cá nhân của UBS và China Merchants Bank. Dù khá hài lòng với chất lượng dịch vụ của nhà băng, anh vẫn băn khoăn về tầm nhìn của các đại gia này. "Những ngân hàng lớn như thế này có xu hướng rất bảo thủ. Họ không biết tầm quan trọng của những ứng dụng điện tử đâu. Các nhà đầu tư trẻ và giàu vẫn thích quản lý danh mục của mình trên điện thoại hơn", Li nói.

Trên thực tế, các ngân hàng toàn cầu vẫn đang theo dõi sự phát triển của mô hình tài chính - công nghệ mới nổi cũng như dịch vụ ưu đãi đối với nhóm khách hàng giàu có ở Trung Quốc. "Đây hoàn toàn là một thị trường rất tiềm năng", Boris Collardi – CEO ngân hàng Julius Baer nhận định.

Julius Baer là ngân hàng chuyên tư vấn cho giới nhà giàu Trung Quốc có tài khoản ở Hong Kong (Trung Quốc) và Singapore. Gần đây, họ bắt đầu thăm dò thị trường đại lục. Năm 2011, Julius Baer mở văn phòng đại diện ở Thượng Hải và thiết lập quan hệ hợp tác với Bank of China một năm sau đó. Tháng 12/2015, Julius Baer mua 5% cổ phần Jupai - công ty cung cấp dịch vụ quản lý tài sản cho nhóm người có thu nhập cao ở Thượng Hải.

Ông Collardi vẫn tiếp tục tìm cách kiếm lời từ xu hướng kết hợp tài chính - công nghệ ở Trung Quốc, có thể bằng cách mua lại công ty, hợp tác hoặc tuyển dụng nhân viên làm việc ngay tại đây. "Tôi không loại trừ khả năng sẽ có một hoặc nhiều mô hình tài chính - công nghệ xuất hiện ở Trung Quốc trong tương lai. Nếu nhìn vào phiên bản của Twitter hay Facebook mà người Trung Quốc sáng tạo ra, bạn sẽ thấy về mặt chức năng, chúng còn vượt cả các phiên bản gốc từ Mỹ", Collardi kết luận.
 
Theo Kim Dung (VnExpress.net)

Nổi bật