Giai đoạn 2019 - 2021, nhiều nhà giàu tại Hà Nội về các vùng ven Hà Nội như Sóc Sơn, Ba Vì, Sơn Tây, Quốc Oai,... hay một số huyện tại Hòa Bình tìm kiếm quỹ đất rộng hàng nghìn m2 để xây dựng căn nhà thứ hai. Cũng ở thời điểm này, trào lưu đầu tư kinh doanh homestay diễn ra rất sôi động. Theo đó, các mảnh đất rộng tại các khu vực nêu trên liên tục tăng giá mạnh, nếu tính nguyên tiền đất cũng đã vài tỷ đồng. Cộng thêm tiền đầu tư xây dựng, giá trị của các khu nghỉ dưỡng có thể lên tới hàng chục tỷ đồng. Song, đến nay gia chủ chỉ hy vọng bán được nửa giá cũng tốt.
Theo anh Trần Quang Tuấn (Cầu Giấy, Hà Nội), thời điểm năm 2020, anh bỏ 7 tỷ đồng để mua 5.000m2 đất tại khu vực Ba Vì (Hà Nội). Chưa dừng lại, anh tiếp tục đầu tư 8 tỷ đồng để xây dựng thêm 2 căn homestay và làm khuôn viên vườn. Tổng số tiền đầu tư vào thương vụ này của anh Tuấn là 15 tỷ đồng.
“Xây dựng hoàn tất, dịch bệnh bất ngờ bùng phát homestay chưa kịp đón khách đã phải cửa đóng then cài. Đến khi dịch bệnh được kiểm soát, mọi hoạt động kinh doanh được diễn ra nhưng lượng khách không mấy khả quan”, anh Tuấn nói.
Nhất là từ đầu năm 2023 đến nay, hoạt động kinh doanh kém khởi sắc, nhiều ngày liên tiếp các căn homestay của anh Tuấn đều trong tình trạng trống. Trong khi đó, mỗi tháng anh vẫn mất thêm khoảng 20 triệu đồng tiền chi phí vận hành.
“Đây mới chỉ là số tiền cố định hàng tháng thuê người để vận hành homestay, ngoài ra mỗi dịp lễ tết như Tết Nguyên đán, Noel,... tôi đều phải chi thêm để setup cho khách tới thuê check in. Trong khi đó, homestay chỉ đông khách vào dịp lễ tết, còn ngày thường vắng khách”, anh Tuấn nói.
Theo người này, số tiền bỏ ra để đầu tư homestay có 30% là đi vay, hiện lãi vay tăng cao, chi phí vận hành lớn nhưng tiền thu lại nhỏ giọt. Do đó, anh Tuấn quyết định bán lại homestay.
“Nhiều tháng nay tôi nhờ môi giới tìm khách mua lại nhưng rất ít người quan tâm. Nếu khách mua thiện chí, lỗ một nửa tôi cũng bán”, anh Tuấn nói.
Không chỉ những người đầu tư kinh doanh, nhiều người trước kia chạy theo trào lưu “bỏ phố về quê” được một thời gian ngắn cũng phải rao bán lỗ.
Đầu năm 2021, chị Nguyễn Thảo Ly (Hà Nội) đầu tư 5 tỷ đồng (đã bao gồm nhà và đất) để sở hữu ngôi nhà thứ hai tại Lương Sơn (Hòa Bình). Theo chị Ly, căn nhà được xây dựng 2 tầng nằm trên khu đất có diện tích 1.500m2, trong đó có 200m2 là đất thổ cư, còn lại là đất vườn.
“Thời gian đầu, gần như tuần nào gia đình tôi cũng về đây nghỉ ngơi vào dịp cuối tuần. Tuy nhiên, tần suất dần ít đi, nhiều tháng nay chúng tôi không về lại. Trước kia khi chưa sở hữu vợ chồng tôi đều rất mong mỏi, nhưng đến khi có mới thấy nhiều bất cập”, chị Ly nói.
Theo chị Ly, dù đã lâu không về lại căn nhà thứ hai nhưng mỗi tháng gia đình chị vẫn phải chi 10 triệu đồng để thuê người trông nom, quét dọn hàng ngày. Bên cạnh đó, do đồ đạc trong nhà không được sử dụng thường xuyên nên hay hỏng hóc.
“Tôi thấy rằng, việc sở hữu ngôi nhà thứ hai tại vùng ven phù hợp với những người đã nghỉ hưu. Hiện tại công việc của vợ chồng tôi vẫn rất tất bật, theo đó không có thời gian tự chăm sóc cho căn nhà. Do không còn nhu cầu sử dụng nên chúng tôi quyết định bán lại với giá 3 tỷ đồng, coi như lấy lại tiền đất”, chị Ly nói.
Dù chấp nhận lỗ, song căn nhà của chị Ly đã rao bán hơn 1 tháng nay vẫn chưa tìm được chủ mới.
Anh Nguyễn Văn Đức, chủ một phòng giao dịch bất động sản tại Hòa Bình cho biết, thị trường hiện nay rất khó có giao dịch, đặc biệt là các bất động sản nghỉ dưỡng. Đây là phân khúc rất kén khách mua, sức cầu nhỏ.
“Đa phần những người chấp nhận giảm giá sâu tìm khách mua đều do vướng phải khó khăn tài chính. Thực tế, dòng tiền của phân khúc này không quá lớn và không đều nên chủ sở hữu gặp phải áp lực lớn khi vay nợ. Hiện nay trên thị trường các phân khúc nhà ở thực được ưu tiên, còn dòng sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng kén khách mua”, anh Đức nói.
Theo anh Đức, những căn homestay có quy mô nhỏ, giá tiền khoảng 1 - 2 tỷ đồng, tỷ lệ giao dịch thành công sẽ cao hơn. Còn những homestay có giá trị trên 5 tỷ đồng khó tìm khách mua, đặc biệt trong bối cảnh lãi suất tăng cao, nhu cầu nghỉ dưỡng hạ nhiệt.