Đều công tác trong ngành dược phẩm lâu năm, nhà bà Nguyễn Thị Thiện ở chùa Bộc (Hà Nội) 5 năm nay rất hiếm khi mua thịt lợn ngoài chợ ăn. Nỗi lo về an toàn thực phẩm khiến bà rất sợ mua loại thịt lợn được nuôi công nghiệp này.
“Mấy năm trước, cơ quan chức năng liên tiếp phanh phui vụ việc thịt lợn có chất tạo nạc cấm, hay còn gọi là chất tăng trọng, ở nhiều tỉnh thành. Vì thế, gia đình tôi quyết định dừng ăn loại thịt lợn bán tại chợ để đảm bảo sức khỏe”.
Được người nhà mách nước, gia đình bà chuyển sang ăn thịt lợn sạch ở quê của các hộ dân nuôi. Tuy nhiên, kể từ khi lên Hà Giang và được ăn thịt lợn rừng trên đó, nhà bà Thiện rất thích ăn loại thịt này. Từ đó, gia đình thường xuyên kết nối với người ở Hà Giang để cứ 1-2 tháng là giết mổ một con chuyển về Hà Nội ăn dần.
Người phụ nữ 65 tuổi kể: “Nhà tôi đông người, gồm vợ chồng tôi, hai cặp vợ chồng của con trai, con gái cũng sống ngay sát nhà. Bởi thế, cả đại gia đình thường mua một con lợn rừng về ăn. Đã ăn lợn rừng rồi mà chuyển sang ăn lợn ngoài chợ là thấy chán luôn, vì lợn rừng thơm ngon hơn hẳn”.
Khoảng một tháng, bà Thiện lại gọi điện cho người quen trên Hà Giang nhờ tìm mua và thuê giết mổ một chú lợn rừng khoảng 40-50kg. Đây là những con lợn rừng được nuôi thả tự nhiên ở Mèo Vạc, Đồng Văn. Bởi thế, thịt rất tươi, sạch, ngon và nhiều dinh dưỡng. Ăn thịt lợn rừng lại dôi thịt, khác hẳn với thịt lợn nuôi công nghiệp vừa đắt, vừa không đảm bảo lại hay bị hao khi chế biến.
“Mỗi tháng nhà tôi thường đặt mua một con tầm 40kg, giá lợn hơi là 200.000 đồng/kg. Tính ra, riêng tiền lợn hơi hết khoảng 8 triệu đồng. Sau đó, tôi nhờ thuê người mổ luôn, trung bình tiền công là 500.000 đồng/con. Tiền thuê người pha thịt, làm lòng, thuê xay giò thêm 500.000 đồng nữa. Thêm chi phí vận chuyển xe khách về tới Hà Nội là 600.000-700.000 đồng, tính ra mỗi lần mua một con lợn rừng nhà tôi bỏ ra khoảng 10 triệu đồng”, bà Thiện nhẩm tính.
Dù mất công thuê người giết mổ và vận chuyển từ Hà Giang về Hà Nội, song bù lại, về nhà bà Thiện chỉ việc trữ đông trong tủ lạnh, dễ bảo quản, dễ chế biến các món ăn.
Hơn nữa, việc mua cả con lợn rừng hơi có giá mềm hơn hẳn mua thịt lợn rừng đã thịt sẵn. Bởi, mua hơi giá chỉ 200.000 đồng/kg còn được tất cả các bộ phận của con lợn. Từ lòng dồi, thủ lợn rừng cũng rất ngon đến ba chỉ, mông, chân giò đều có. Còn mua riêng lẻ thịt lợn có sẵn đắt hơn nhiều, giá từ 220.000-280.000 đồng/kg, riêng móng giò đã 170.000 đồng/kg.
Có thịt lợn rừng, bà Thiện chế biến thành nhiều món ăn khác nhau. Với bộ lòng, cả nhà bà liên hoan ăn trước. Còn giò nạc, giò thủ thì cất vào tủ lạnh ngăn mát ăn dần. Riêng xương với các loại thịt, bà chia làm từng bữa nhỏ rồi cho vào ngăn đá bảo quản. Bữa nào ăn, bà bỏ xuống ăn mát trước nửa ngày để chế biến xào, luộc, kho, hấp, nướng chao, giả cầy, nướng riềng mẻ.
“Dù chế biến món ăn gì từ thịt lợn rừng thì mỡ cũng rất mỏng mà giòn, da dày. Khi chín ăn rất dẻo, mềm, thịt thơm ngọt, không bị ra nước. Nói chung tiền nào của đấy, ăn khác hẳn thịt lợn nuôi công nghiệp. Nhà tôi ăn cả năm như vậy mà không ngán”, bà Thiện cho hay.
Theo Thảo Nguyên (VietNamNet)