Giá vàng nhẫn tiệm cận giá thế giới
Ngày 10/5, giá vàng nhẫn tròn trơn trong nước ở mức 56,45 - 57,45 triệu đồng/lượng, giá vàng thế giới ở mức 2.031 USD/ounce. Chênh lệch giá vàng mua vào - bán ra lên mức 1 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, biên độ tăng giảm của giá vàng dao động 100 - 300 nghìn đồng/lượng khiến người mua luôn lỗ khi nắm giữ vàng. Điều này đã làm giảm sức hấp dẫn của vàng với nhà đầu tư.
Sau thời gian dài chững lại, giá vàng nhẫn tròn trơn của doanh nghệp vừa dậy sóng, vọt tăng nửa triệu đồng rồi lao dốc. Cơn sóng của giá vàng xuất phát từ biến động giá vàng thế giới. Khi giá vàng thế giới tăng kỷ lục, giá vàng nhẫn tròn trơn tăng theo. Ngược lại, giá vàng thế giới lao dốc, vàng trong nước giảm mạnh.
Chị Lê Như Ngọc (Hà Nội) cho biết, trước đây khi có tiền nhàn rỗi, thường mua vàng chờ lên giá. Tuy nhiên, trong 2 năm gần đây, thị trường vàng không nhiều biến động. Trong khi, chênh lệch giá mua vào - bán ra giữ mức cao khiến chị Ngọc không còn mặn mà với vàng.
Ngày 10/5, giá vàng miếng SJC quanh mốc 66,6 - 67,2 triệu đồng/lượng, giá vàng nhẫn tròn trơn 56,45 - 57,45 triệu đồng/lượng. Giá vàng thế giới 2.031 USD/ounce (tương đương 56,9 triệu đồng/lượng chưa kể thuế phí).
“Giá vàng miếng SJC cao hơn vàng thế giới cả chục triệu đồng mỗi lượng nên tôi thường mua vàng nhẫn tròn trơn của doanh nghiệp vàng.
Mỗi khi giá vàng thế giới tăng, vàng trong nước cũng tăng theo nhưng doanh nghiệp lại nới rộng chênh lệch giá mua vào - bán ra. Tôi chỉ giữ một ít vàng tích trữ, chứ không đầu tư như trước kia”, chị Ngọc chia sẻ.
Theo Tổng cục Thống kê, giá vàng trong nước biến động cùng chiều với giá vàng thế giới. Tính đến cuối tháng 4/2023, bình quân giá vàng thế giới ở mức 2.004 USD/ounce, tăng 5,35% so với tháng 3/2023.
Đà tăng của vàng thế giới do căng thẳng địa chính trị gia tăng khiến nhu cầu vàng dự trữ tại ngân hàng tăng. Trong nước, chỉ số giá vàng tháng 4/2023 tăng 2,04% so với tháng trước. Bình quân 4 tháng đầu năm 2023, giá vàng trong nước tăng 0,66%.
Nhu cầu vàng ở Việt Nam giảm mạnh
Trong báo cáo vừa công bố, Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho biết, nhu cầu vàng tại Việt Nam giảm mạnh trong quý 1 năm nay so với cùng kỳ năm ngoái, còn hơn 17 tấn. Trong đó, nhu cầu vàng miếng giảm 10%, từ mức 14 tấn xuống còn 12,6 tấn trong 3 tháng đầu năm nay. Nhu cầu trang sức giảm 18%, từ 5,6 tấn xuống còn 4,6 tấn.
Ông Shaokai Fan - Giám đốc điều hành khu vực châu Á -Thái Bình Dương, Giám đốc phụ trách toàn cầu về ngân hàng trung ương của WGC cho biết, suy giảm nhu cầu trang sức vàng ở Việt Nam một phần do tác động từ hiệu ứng cơ sở.
Quý 1/2022 là quý có nhu cầu mua vàng trang sức trong nước mạnh nhất kể từ năm 2007. Việc mua trữ vàng trang sức trong quý 1/2023 đã có những dấu hiệu tích cực trong dịp Tết Nguyên đán, trước khi giảm dần vào tháng 2 và tháng 3 do giá vàng tăng”.
Các ngân hàng trung ương đã mua ròng 228 tấn vàng cho dự trữ quốc gia, mức mua ròng kỷ lục trong dữ liệu thống kê quý 1 của WGC. Việc các ngân hàng trung ương liên tục mua ròng vàng khối lượng lớn phản ánh vai trò của vàng trong danh mục dự trữ ngoại hối trong thời gian thị trường biến động và rủi ro tăng cao.
Dự kiến nhu cầu đầu tư vào vàng sẽ tăng vào nửa cuối năm 2023 khi rào cản từ đồng USD và việc tăng lãi suất đang giảm dần. Nhu cầu đầu tư vào vàng thông qua quỹ ETF tiếp tục ổn định trong quý 2/2023. Nguy cơ suy thoái tại các thị trường phát triển sẽ là động lực để nguồn đầu tư vào vàng gia tăng vào cuối năm.
Các ngân hàng trung ương có khả năng sẽ tiếp tục mua vào mạnh mẽ và sẽ trở thành một trong những động lực chính của nhu cầu vàng trong năm 2023, mặc dù mức độ mua vào có thể thấp hơn so với mức kỷ lục đạt được trong năm trước.
Theo Ngọc Linh (Tiền Phong)