Nhà đầu tư BOT nản lòng vì bị nói "ăn dày"

19/04/2017 18:03:00

"Chúng tôi được hưởng lợi nhuận 11-12% trên vốn chủ sở hữu theo hợp đồng. Dự án được các bộ thẩm tra, quyết toán thì tham nhũng ở đâu, ăn dày ở đâu?", ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tasco nói.   

"Chúng tôi được hưởng lợi nhuận 11-12% trên vốn chủ sở hữu theo hợp đồng. Dự án được các bộ thẩm tra, quyết toán thì tham nhũng ở đâu, ăn dày ở đâu?", ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tasco nói.   

Ông Dũng nêu ví dụ, cách đây 3 năm đường 39B trung tâm tỉnh Thái Bình rất xấu, gây ách tắc thường xuyên. Lúc đó, Chính phủ chủ trương đầu tư bằng trái phiếu, nhưng phải dừng vì không đủ nguồn. Sau nhiều lần bàn tính, tỉnh và doanh nghiệp cùng làm. Thế nhưng giờ đây dân lại bảo đường này của nhà nước để phản đối thu phí.

"Đầu tư vào hạ tầng là có lợi, an toàn cho xã hội, nhưng các bộ ngành không tính toán được bài toán kinh tế để thuyết phục người dân", ông Dũng chỉ ra bất cập.

nha-dau-tu-bot-nan-long-vi-bi-noi-an-day

Ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tasco. Ảnh: Xuân Hoa

Lãnh đạo Tasco chia sẻ: "Nhà đầu tư như chúng tôi nản lòng, bức xúc khi dư luận bảo ăn dày, ăn mỏng. Chúng tôi lợi nhuận 11% trên vốn chủ sở hữu theo đúng hợp đồng, còn tất cả giá trị đầu vào được kiểm toán, từ con số cuối cùng mới định ra thời gian thu phí. Như vậy tham nhũng ở đâu, ăn dày ở đâu?".

Theo ông Dũng, thời gian qua mặc dù đầu tư BOT có lãi suất thấp song doanh nghiệp xây dựng lấy công làm lãi, tạo công ăn việc làm cho công nhân. Sau khi có nhiều doanh nghiệp làm BOT thì Bộ Giao thông Vận tải còn "cắt gọt đủ đường", hay giải phóng mặt bằng bê trễ hàng năm gây chi phí đầu tư lớn...

"Nếu chúng ta không giải quyết có tình, có lý, nếu nhà đầu tư trong nước, nhà tài chính quay lưng thì không ai dám làm nữa", ông Dũng nói.

Ông Nguyễn Tuấn Huỳnh, Chủ tịch Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 (Cienco 4), cho biết làm BOT cầu Yên Lệnh, Bến Thủy, đường tránh TP Vinh từ năm 2003. Nhưng gần đây, sau khi tăng giá vé để bù chi phí đầu tư thì bất cập nảy sinh, dân tập trung phản đối. 

"Trước đây tỉnh thành ra sức kêu gọi chúng tôi về địa phương làm BOT để giao thông được cải thiện, nhưng giờ chúng tôi đang phải chịu thua thiệt. Nên chăng nhà nước ngồi nhìn lại để đưa ra giải pháp hợp lý nhất", ông Huỳnh đề nghị. 

nha-dau-tu-bot-nan-long-vi-bi-noi-an-day-1

Ông Nguyễn Tuấn Huỳnh, Chủ tịch Cienco 4. Ảnh: Xuân Hoa

Theo ông Huỳnh, khi nhà đầu tư giảm giá vé, kéo dài thời gian thu phí thì sẽ rất thiệt hại vì dự án không kịp thời trả lãi ngân hàng, thời gian bảo trì tăng, tổng chi phí của dự án BOT tăng lên. Các ngân hàng cho vay thường là ngân hàng có vốn nhà nước, tức cũng là tiền của dân. "Chúng tôi sẵn sàng làm tiếp nhưng chính sách phải rõ ràng", ông Huỳnh khẳng định.

Dưới góc nhìn chuyên gia, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam nhận xét, người dân bức xúc thể hiện sự bất cập về việc đặt trạm thu phí không hợp lý. Dân sống quanh trạm BOT, hàng ngày đi qua nhiều lần, mỗi lần qua lại thu phí thì không thể chấp nhận được. Doanh nghiệp vì thế cần lấy ý kiến của người dân khi làm dự án chứ không phải là lãnh đạo địa phương. Ngoài ra, không đặt trạm thu phí BOT ở đầu hoặc cuối đường, gần các thành phố, thị xã, thị trấn bởi người dân qua lại nhiều, mà nên đặt chính giữa tuyến đường. 

Đề xuất giải pháp thu phí BOT, ông Phạm Quang Dũng cho rằng, với bán kính 5-10 km quanh trạm thì có thể miễn giảm cho dân. Phần này ngân sách nhà nước phải bỏ tiền ra hỗ trợ, chứ không kệ nhà đầu tư tự bơi.

Đại diện Bộ Giao thông Vận tải, ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Đối tác công tư, cho biết Bộ sẽ cùng các bộ ngành, nhà đầu tư, ngân hàng xây dựng một chính sách chung, theo hướng sẽ miễn giảm cho người dân xung quanh trạm thu phí theo khoảng cách và mức độ. Chẳng hạn cách trạm thu phí bao nhiêu km sẽ được miễn hoàn toàn, cách bao nhiêu km sẽ được miễn 70%, 50% hay 20% mức phí.

Theo Đoàn Loan (VnExpress.net)

Nổi bật