Nguyên nhân phương Tây e ngại khi trừng phạt ngân hàng Nga

20/06/2022 06:40:00

Ngân hàng lớn hàng đầu của Nga Gazprombank vẫn thực hiện các giao dịch bằng USD, Euro và không bị loại khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT sau khi xung đột xảy ra

Ukraine đang thúc giục Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) áp dụng các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn đối với Gazprombank. Đây là một trong những ngân hàng lớn nhất của Nga và vẫn có thể hoạt động tự do trên khắp thế giới bởi vai trò trung tâm của nó trong hoạt động buôn bán khí đốt Moscow.

Lời kêu gọi từ phía Ukraine

Gazprombank, được thành lập để phục vụ công ty khí đốt nhà nước Nga Gazprom và là ngân hàng lớn thứ ba tại nước này tính theo giá trị tài sản, cho đến nay đã nằm ngoài các lệnh trừng phạt nghiêm trọng mà nhiều tổ chức cho vay khác của Nga phải đối mặt. Gazprombank đã tiếp tục thực hiện các giao dịch bằng USD và Euro, và vẫn nằm trong hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT.

Chính phủ Ukraine mới đây cho biết ngân hàng Gazprombank đang hỗ trợ tài chính cho các hành động quân sự của Điện Kremlin ở Ukraine.

Ông Andriy Yermak, chánh văn phòng của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy, nói với hãng tin NBC News: “Mỹ và châu Âu nên trừng phạt Gazprombank, không chỉ vì vai trò của ngân hàng này trong việc giúp Nga tích lũy doanh thu từ hoạt động bán năng lượng mà vì nó còn trực tiếp tham gia hỗ trợ quân đội Nga, các công ty nhà nước và các tổ chức khác đang duy trì cuộc xung đột Ukraine”.

Theo cơ quan tình báo Ukraine, Gazprombank đã thực hiện thanh toán lương cho một số quân đội Nga tham gia cuộc xung đột Ukraine, ngoài ra còn có các khoản thanh toán cho các gia đình quân nhân thiệt mạng trong xung đột. Ngân hàng này cũng có dấu hiệu liên quan đến việc mua thiết bị quân sự. Họ trích dẫn trường hợp một sĩ quan quân đội Nga từ sư đoàn xe tăng hoạt động ở miền đông Ukraine đã sử dụng ngân hàng Gazprombank để mua 2 máy bay không người lái quadcopters.

Cơ quan tình báo Ukraine cho biết ngân hàng Gazprombank có văn phòng đại diện ở Trung Quốc, Ấn Độ và châu Âu, cũng có thể tham gia vào hoạt động lách lệnh trừng phạt của phương Tây như giúp các đối tượng tiếp cận ngoại tệ hoặc mua thiết bị cho mục đích quân sự.

Ukraine đã chia sẻ các thông tin tình báo trên cho quan chức Mỹ như một phần của nỗ lực kêu gọi chính quyền Tổng thống Joe Biden mở rộng biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga.

Nguyên nhân phương Tây e ngại khi trừng phạt ngân hàng Nga
Ngân hàng Gazprombank ở thủ đô Moscow, Nga vào ngày 27/4/2022. Ảnh: Getty Images.

Sự do dự liệu có nên thắt chặt các lệnh trừng phạt đối với ngân hàng Gazprombank cho thấy thế khó của phương Tây khi muốn siết chặt nền kinh tế Nga liên quan đến xung đột tại Ukraine. Châu Âu vẫn phụ thuộc nhiều vào khí đốt tự nhiên của Nga và sử dụng ngân hàng Gazprombank để thanh toán nhập khẩu khí đốt của mình. Theo ghi nhận của NBC News, hầu hết các chính phủ châu Âu vẫn chưa sẵn sàng trừng phạt ngân hàng và quan ngại về nguy cơ cắt đứt hoàn toàn việc nhập khẩu khí đốt tự nhiên.

E ngại khi trừng phạt

Bà Agathe Demarais, giám đốc dự báo toàn cầu thuộc Tổ chức Economist Intelligence Unit (EIU) của Anh, cho biết châu Âu sẽ rơi vào "một vị thế khó khăn" nếu Gazprombank bị loại khỏi hệ thống tài chính quốc tế. Bà Demarais nói: “Mỹ biết nếu trừng phạt Gazprombank sẽ gây ra các vấn đề lớn đối với E.U. Điều này sẽ khiến khu vực đồng Euro rơi vào một cuộc suy thoái sâu và nó sẽ tạo ra một rạn nứt lớn giữa EU và Mỹ trong việc trừng phạt ", chính quyền Tổng thống Joe Biden muốn tránh đụng độ với các đồng minh châu Âu.

Mặc dù Washington đã không đóng băng tài sản của hoặc chặn các giao dịch bằng đồng USD của Gazprombank, nhưng Bộ Tài chính Mỹ vào tháng trước đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 27 giám đốc điều hành của ngân hàng này.

Vào tháng 2, Mỹ cũng đã đưa ra biện pháp trừng phạt đối với một thành viên hội đồng quản trị của Gazprombank là ông Sergei Sergeevich Ivanov. Ông Sergei Sergeevich Ivanov cũng đứng đầu một công ty khai thác kim cương thuộc sở hữu nhà nước của Nga.

Sau khi Nga chiếm Bán đảo Crimea của Ukraine năm 2014, Mỹ đã đặt ra các hạn chế đối với ngân hàng Gazprombank. Đến năm 2018, Thụy Sĩ cũng cấm chi nhánh Gazprombank tại nước này tiếp cận các khách hàng tư nhân mới, nguyên nhân do ngân hàng này vi phạm quy tắc chống rửa tiền và không kiểm tra các giao dịch.

Nguyên nhân phương Tây e ngại khi trừng phạt ngân hàng Nga - 1
Thủ tướng Đức Olaf Sholz, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Thủ tướng Ý Mario Draghi và Tổng thống Romania Klaus Iohannis (từ trái sang phải) đã gặp nhau tại Kiev, Ukraine, vào ngày 16/6. Ảnh: Văn phòng Tổng thống Ukraine.

Nga chiếm khoảng 45% lượng khí đốt nhập khẩu của EU vào năm 2021. EU đã thông báo mục tiêu giảm 2/3 lượng khí đốt mua từ Nga trước cuối năm nay nhằm phản ứng với hành động quân sự của Nga tại Ukraine.

Tuy nhiên, châu Âu vẫn phụ thuộc nhiều vào khí đốt của Nga. Trong tuần này, Moscow đã cắt giảm việc cung cấp khí đốt tự nhiên cho khu vực. Các quan chức Nga cho biết việc cắt giảm nguồn cung là do vấn đề bảo trì, nhưng Đức cáo buộc Điện Kremlin đã sử dụng năng lượng như một vũ khí chính trị.

Ông Simone Tagliapietra, nhà nghiên cứu năng lượng của tổ chức tư vấn Bruegel có trụ sở đặt tại Brussels (Bỉ), nhận định: “Các biện pháp trừng phạt đối với ngân hàng Gazprombank sẽ tương đương với lệnh cấm vận đối với khí đốt của Nga.

Theo Phạm Hà Thanh (Nguoiduatin.vn)

Nổi bật