Mới đây, tại báo cáo sơ kết Bộ Xây dựng cho biết, Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) lỗ khoảng 863 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm nay. Con số này tăng gần gấp đôi so với mức lỗ 441 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Trung bình mỗi ngày, VICEM thâm hụt hơn 4,7 tỷ đồng lợi nhuận.
Tình trạng thua lỗ diễn ra khi doanh nghiệp này chỉ sản xuất được 7,63 triệu tấn clinker và 9,77 triệu tấn xi măng, đều giảm trên 7% so với cùng kỳ 2023. Tổng doanh thu 6 tháng ước đạt gần 13.200 tỷ đồng, giảm 19,4%.
Năm 2023, VICEM cũng công bố thông tin lỗ hơn 1.100 tỷ đồng, khi nhu cầu tiêu thụ xi măng giảm mạnh. Lợi nhuận của VICEM đã đi lùi 4 năm liên tiếp. Lỗ lũy kế tính đến cuối năm 2023 là 2.240 tỷ đồng.
VICEM tiền thân là Liên hiệp các Xí nghiệp Xi măng được thành lập ngày 01/10/1979. Hiện doanh nghiệp đang quản lý 10 nhà máy trên cả nước với 16 dây chuyền sản xuất, công suất 20 triệu tấn clinker và 27 triệu tấn xi măng mỗi năm. Một số nhà máy xi măng nổi tiếng như: Hà Tiên, Bỉm Sơn, Hoàng Thạch, Bút Sơn, Hải Phòng, Hoàng Mai.
Tuy nhiên nhiều năm qua, vay nợ trở thành gánh nặng không nhỏ cho "ông lớn" ngành xi măng. Theo đơn vị kiểm toán, nợ ngắn hạn của VICEM đang vượt quá tài sản ngắn hạn. Điều này thể hiện các khó khăn về tài chính và trong việc thanh toán các khoản nợ đến hạn trả tại một số công ty con.
Trước đó, ban lãnh đạo VICEM cho biết đang gặp nhiều khó khăn khi ảnh hưởng tình hình thế giới, thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu phục hồi, nguồn cung xi măng vượt xa so với nhu cầu; giá nguyên, nhiên liệu đầu vào vẫn ở mức cao. Tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sụt giảm, tồn kho tăng cao, một số nhà máy phải giảm năng suất hoặc dừng lò. Xu hướng dịch chuyển nhu cầu từ xi măng bao sang xi măng rời cũng gây áp lực cho VICEM do giá trị thương hiệu gắn với xi măng bao.
Hiện, VICEM đang tập trung vào việc nâng cao năng lực sản xuất, tối ưu hóa các dây chuyền công nghệ, phát huy tối đa nội lực. Cân đối phân bổ năng lực sản xuất phù hợp với từng thương hiệu, đảm bảo cân đối giữa năng lực sản xuất và thị trường.
VICEM cũng tập trung thực hiện các công việc để cổ phần hóa công ty mẹ, các công ty 100% vốn Nhà nước để có nguồn vốn phát triển năng lực sản xuất bằng việc đầu tư mới, hoặc nhận chuyển giao các doanh nghiệp mà Chính phủ, Bộ Xây dựng giao cho VICEM, giữ vững vai trò trụ cột, là cân đối lớn của ngành xi măng Việt Nam;…
Theo Bộ Xây dựng, tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp xi măng còn khó khăn do thị trường bất động sản, vật liệu xây dựng chưa khởi sắc. Trong khi đó, giá vật liệu, nhiên liệu biến động tăng, tỷ giá ngoại tệ tăng. Một số đơn vị phải hoạt động, sản xuất cầm chừng, kinh doanh thua lỗ, chỉ tiêu không đạt kế hoạch được giao.
Theo Khánh Hoài (Kienthuc.net.vn)