Điện lực Hà Nội dùng hàng trăm xe loa tuyên truyền tiết kiệm điện
Báo cáo của Bộ Công Thương về tình hình thực hiện các dự án trong quy hoạch điện VII điều chỉnh cho thấy, dự kiến tổng công suất các nguồn điện trên toàn quốc có khả năng đưa vào vận hành trong các năm 2018-2020 chỉ đạt xấp xỉ 8.900 MW, bằng 60% khối lượng dự kiến tại quy hoạch.
Riêng các dự án điện mặt trời đã trình Bộ Công Thương xem xét, thẩm định thiết kế cơ sở chỉ đạt 1.596 MWp - số nhỏ trong tổng dự kiến 5.000 MWp đến năm 2020.
"Với phụ tải cơ sở được cập nhật, luôn tiềm ẩn nguy cơ sự cố gây mất điện trong các năm 2020-2030. Xác suất mất tải của hệ thống điện miền Nam rất cao, các năm từ 2020-2022 sẽ lần lượt bị mất điện 373, 293 và 593 giờ - mức cao hơn rất nhiều so với tiêu chuẩn an toàn của hệ thống điện là 24 giờ" - Bộ Công Thương nhận định.
Các kết quả tính toán cho thấy trong giai đoạn đến năm 2025, miền Nam vẫn có xu hướng nhận điện từ miền Bắc và miền Trung. An toàn cung cấp điện trong giai đoạn này phụ thuộc nhiều vào liên kết Bắc - Trung - Nam. Trong đó, dự án đường dây 500 KV Vũng Áng - Dốc Sỏi - Pleiku 2 có mục đích tăng cường khả năng truyền tải Bắc - Nam. Tuy nhiên, dự án này đã bị chậm tiến độ 1 năm.
Nếu không thể hoàn thành đường dây này vào đầu năm 2020, Bộ Công Thương đánh giá nguy cơ thiếu điện miền Nam là rất lớn.
Về giải pháp, Bộ Công Thương cho biết ngoài đảm bảo tiến độ và đưa vào vận hành các công trình nguồn điện phía Nam, cần tăng cường nhập khẩu điện từ các nước trong khu vực. Dự kiến, giai đoạn đến 2020 sẽ nhập điện từ nam Lào qua các đường dây 220 KV hiện hữu với công suất cao nhất có thể là 1.000 MW. Giai đoạn 2026-2030, mua điện từ khu vực bắc Lào với công suất 2.000 MW.
Đặc biệt, Bộ Công Thương tính đến việc tăng cường nhập khẩu điện từ Trung Quốc qua đường dây 220 KV Hà Khẩu - Lào Cai từ năm 2019 lên khoảng 1.000 MW và sản lượng mua tăng thêm 3,5 tỉ KWh/năm. Đồng thời, nghiên cứu đàm phán nhập khẩu điện Trung Quốc ở cấp điện áp 500 KV cho giai đoạn tiếp theo.
Theo L.Bằng (VietNamNet)