Nguy cơ rửa tiền bằng 'tiền ảo', đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung vào luật

01/11/2022 11:24:23

Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hải, ngoài giao dịch bằng tiền mặt, bằng vàng hoặc ngoại tệ được Nhà nước công nhận thì thực tế có hoạt động liên quan đến tiền ảo giao dịch trên nền tảng online đang phổ biến nhưng chưa được kiểm soát

Ngày 1-11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi).

Tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (đoàn Thừa Thiên - Huế) băn khoăn về một số từ ngữ được sử dụng trong dự thảo luật chưa được giải thích rõ, có thể dẫn đến cách hiểu, cách áp dụng khác nhau.

Cụ thể, tại Điều 44 dự thảo Luật có nêu "Khi có cơ sở hợp lý để nghi ngờ", nhưng chưa giải thích rõ thế nào là cơ sở hợp lý để nghi ngờ. Do đó, để thống nhất cách hiểu, tránh áp dụng biện pháp trì hoãn giao dịch không đúng, lạm quyền, đại biểu Nguyễn Thanh Hải đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung giải thích nội hàm thuật ngữ "cơ sở hợp lý để nghi ngờ" vào dự thảo luật.

Nguy cơ rửa tiền bằng 'tiền ảo', đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung vào luật
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hải góp ý về dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi)

Vị đại biểu là Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết khoản 4 Điều 3 của dự thảo luật quy định "Giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo là giao dịch bằng tiền mặt, bằng vàng hoặc ngoại tệ được thực hiện một hoặc nhiều lần trong một ngày, có tổng giá trị bằng hoặc vượt mức do Thủ tướng Chính phủ quy định".

Tuy nhiên hiện nay, ngoài giao dịch bằng tiền mặt, bằng vàng hoặc ngoại tệ được Nhà nước công nhận thì thực tế có hoạt động liên quan đến tiền ảo giao dịch trên nền tảng online đang rất phổ biến nhưng chưa được kiểm soát.

"Dự báo thời gian tới, việc mở rộng hội nhập quốc tế thì các giao dịch tiền ảo này sẽ phát triển và đây là điều kiện cho các hành vi rửa tiền mà ta chưa lường hết được. Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung thêm cụm từ "hoặc giao dịch khác" vào quy định ở Điều 3 nêu trên"- đại biểu Hải nêu rõ.

Cũng theo đại biểu Nguyễn Thanh Hải, dự thảo luật quy định thời hạn Ngân hàng Nhà nước chuyển giao thông tin hoặc hồ sơ vụ việc cho cơ quan có thẩm quyền phụ vụ cho việc xác minh, điều tra, truy tố, xét xử tội phạm trong thời hạn 10 ngày làm việc là chưa hợp lý, quá dài.

Theo ông Hải, để ngăn chặn, xử lý kịp thời trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, tránh trường hợp các đối tượng phạm tội tiêu hủy chứng cứ, tẩu tán tài sản, đối phó, bỏ trốn gây khó khăn cho công tác điều tra, xác minh thu thập chứng cứ, đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét rút ngắn thời hạn này xuống còn 3 ngày để từ ngày nhận được báo cáo nghi ngờ giao dịch liên quan đến rửa tiền.

Vị đại biểu đoàn Thừa Thiên - Huế cũng nêu rõ dự thảo luật quy định trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước về phối hợp, trao đổi thông tin về phòng, chống rửa tiền là chưa đủ. Theo ông Hải, trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, các cơ quan có thẩm quyền cần thu thập thêm chứng cứ tại ngân hàng, do đó ngoài trách nhiệm phối hợp, trao đổi thông tin, dự thảo luật cần quy định trách nhiệm cung cấp hồ sơ, tài liệu của các ngân hàng cho cơ quan tố tụng khi có yêu cầu.

Tại điều 44 dự thảo luật, ông Nguyễn Thanh Hải cho biết hiện đang quy định đối tượng báo cáo phải áp dụng "ngay" biện pháp trì hoãn giao dịch và báo cáo "ngay" cho cơ quan có thẩm quyền. "Từ "ngay" ở đây quy định chưa rõ ràng. Để tránh việc báo cáo chậm, đối tượng vi phạm đối phó, tẩu tán tài sản; để có sự chỉ đạo kịp thời của các cơ quan có liên quan, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa từ "ngay" bằng cụm từ " trong thời hạn 12 giờ"- ông Hải kiến nghị.

Góp ý về dự thảo luật, đại biểu Thái Thị An Chung (đoàn Nghệ An) cho rằng trong lĩnh vực bất động sản có nguy cơ cao xảy ra hoạt động rửa tiền, các giao dịch bất động sản có thể qua sàn hoặc trực tiếp, thanh toán bằng tiền hoặc chuyển khoản nên khó kiểm soát.

Theo đại biểu Chung, việc quy định và thực thi các quy định về phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực bất động sản là hết sức cần thiết, không chỉ để thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế mà còn góp phần quan trọng vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Do đó để góp phần hoàn thiện các quy định về phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực bất động sản, đại biểu Thái Thị An Chung đề nghị bổ sung đối tượng báo cáo được quy định tại khoản 2 Điều 4 là tổ chức đấu giá tài sản, bởi đấu giá là hình thức mua bán tài sản phổ biến, nhiều năm gần đây, hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất diễn ra rất sôi động. Nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất chiếm tỉ trọng lớn trong thu ngân sách ở địa phương, do đó cũng cần phải giám sát chặt chẽ dòng tiền tham gia đấu giá.

Đồng thời, bổ sung thêm các dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản được quy định tại Điều 33 của dự thảo Luật là khách hàng thực hiện nhiều giao dịch trở lên trong 1 ngày, khách hàng mua bán nhiều bất động sản trở lên trong 1 lần.

Cùng với đó, đại biểu đoàn Nghệ An đề nghị bổ sung trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong việc chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống, rửa tiền, áp dụng cho các đối tượng báo cáo là đấu giá viên, tổ chức hành nghề, đấu giá thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động phòng chống rửa tiền đối với các đối tượng này.

Đại biểu Thái Thị An Chung cũng nhấn mạnh cần sửa đổi Luật Kinh doanh bất động sản theo hướng quy định các giao dịch bất động sản phải thực hiện thanh toán qua hệ thống ngân hàng là hết sức cần thiết để chống thất thu thuế, chống rửa tiền và minh bạch thị trường bất động sản.

Theo Minh Chiến (Nld.com.vn)